Nếu không phân phái ra thành 20 bộ phái thì tăng đoàn đã không chinh phục
được toàn cõi Ấn Độ. Nhờ phân chia ra thành 20 bộ phái mà có nhiều sắc
thái mới phát hiện ra trong dòng sông đạo Bụt. Mỗi tông phái tìm cách đáp
ứng với những nhu cầu mới của dân chúng. Chỉ trong vòng một vài trăm
năm đạo Bụt đã chinh phục được toàn cõi Ấn Độ với sự yểm trợ của vua A
Dục. Trong thời gian 140 năm sau khi Bụt nhập diệt, đạo Bụt chỉ có ở một
dãy miền Trung Ấn Độ. Nhưng nhờ sự phân phái, nhờ sự phát triển của giáo
lý đạo Bụt để đáp ứng lại nhu cầu khác nhau của dân chúng mà đạo Bụt đã
chinh phục được toàn cõi Ấn Độ.
Có nhiều vị đặt câu hỏi: Nếu các bộ phái chủ trương khác nhau như vậy
thì người học đạo Phật biết phải theo ai? Câu hỏi đó làm tôi nhớ đến hiện
tượng tâm lý học trị liệu ở Tây phương. Ở Tây phương bây giờ có rất nhiều
trường phái tâm lý trị liệu. Có người tốt nghiệp từ những trường học tâm lý
trị liệu nhưng khi ra trường thì họ không theo trường phái nào cả. Đa số đều
giữ thái độ cởi mở. Họ thấy trường phái nào có cái hay nào thì họ sử dụng
cái hay ấy của trường phái đó. Sự có mặt của nhiều trường phái tâm lý trị
liệu không có phương hại tại vì chúng ta có quyền tự do trong khi thực tập
và hành nghề. Chúng ta thấy những cái khác nhau của những trường phái và
tùy theo trường hợp và kinh nghiệm của mình chúng ta chọn lựa những gì
thích hợp nhất. Có càng nhiều trường phái càng tốt để cho chúng ta có cơ
hội học hỏi và trị liệu. Vườn hoa có biết bao nhiêu là loại hoa. Nếu không
muốn hoa cúc thì ta chọn hoa sen, nếu không muốn hoa sen thì ta chọn hoa
anh đào. Chúng ta có thể chọn lựa theo nhu yếu của mình.
Các tông phái Phật giáo có những chủ trương khác nhau, nhưng ta thấy
trong cái khác nhau có cái đồng nhất. Trường phái nào cũng muốn trung
thành với giáo lý đạo Bụt nên đã cố gắng giữ lại những giáo lý căn bản như
vô thường, vô ngã, Niết bàn, v.v... Sau khi chinh phục được toàn cõi Ấn Độ,
đạo Bụt bắt đầu lan ra các nước chung quanh. Hiện bây giờ đạo Bụt đã có
mặt trên toàn thế giới tại vì đạo Bụt có một thái độ cởi mở, luôn luôn tìm
học và nhận diện được nhu yếu mới của các địa phương, của các thời đại để
cống hiến những giáo lý và những phương pháp thực tập mới. Chúng ta phải