Chúng ta có ba loại dị: dị thời, dị loại và dị biến. Đạo Bụt bây giờ rất khác
với đạo Bụt 2500 năm trước, nó vẫn là đạo Bụt nhưng hình thức rất khác.
Trong khung cửa của hiện tại, nhờ có chánh niệm, có ý thức về những gì
đang xảy ra mà ta chế tác ra những sự thay đổi bằng ba mặt là thân, khẩu và
ý. Bằng tư tưởng, bằng lời nói và bằng việc làm, chúng ta có khả năng chế
tác được quá khứ và chế tác được tương lai, chúng ta có khả năng chữa trị
được quá khứ và chữa trị được tương lai. Tới tháng tư, các hồ sen của xóm
Thượng, xóm Hạ, xóm Mới bắt đầu lên những lá búp, lúc đó những con bọ
chưa xuất hiện. Nếu để bọ xuất hiện bám đầy, hút hết chất bổ trong lá thì lá
sen lên sẽ không đẹp. Ta phải dùng lá cà, tỏi, hành, giã ra làm thành một
dung dịch xịt lên búp lá để các con bọ không có cơ hội xuất hiện. Vì vậy ta
có quyền đối với quá khứ, ta muốn chế tạo quá khứ như thế nào thì ta chế
tạo. Ta còn có quyền năng với tương lai. Ta muốn tương lai khi phát hiện ra
trong hiện tại thì phát hiện theo kiểu chúng ta muốn. Chúng ta chuẩn bị
trước bằng cách tạo ra những nghiệp nhân tốt trong hiện tại. Chúng ta gởi
chúng về quá khứ và quá khứ đó sẽ trở thành tương lai.
Trong quá trình, từ khi sự việc rời bỏ giây phút hiện tại đi về quá khứ rồi
trở thành tương lai, luôn luôn có sự thay đổi, chín muồi và chuyển biến theo
nguyên tắc dị thời, dị biến và dị loại. Chúng không chỉ thay đổi trong khung
cảnh của hiện tại. Những hạt giống trong ta, những tâm hành trong ta, những
cái giận, cái buồn, cái vui, những hy vọng, đức khiêm cung của chúng ta
đang tiếp tục thay đổi và chuyển biến. Nhờ sự thực tập trong giây phút hiện
tại mà ta có thể giao phó trách nhiệm cho quá khứ và cho tương lai. Quá khứ
và tương lai ở phía sau hậu trường vẫn tiếp tục làm việc. Chúng ta bắt chúng
làm việc theo hướng mà ta thích. Tất cả những tư tưởng, những lời nói,
những hành động chúng ta phát ra vẫn còn đó và tiếp tục đi theo đường
hướng tác động dây chuyền. Chúng làm việc trong bối cảnh của quá khứ và
tương lai mà ta không thấy. Nói ‘‘quá khứ và tương lai không có, chỉ có hiện
tại có thôi’’ là chúng ta hiểu ý của Bụt một cách sai lầm.
Tiếp xúc với bất cứ một sát na nào của hiện tại một cách sâu sắc, ta cũng
tiếp xúc được với quá khứ và tương lai. Đố ai tìm được một ranh giới giữa
quá khứ và tương lai? Chúng ta không thể nói quá khứ đi tới một điểm nào