giây phút hiện tại mới có sự chuyển động, mới có sự chuyển hóa. Nhưng khi
hiện tại đã trở thành tương lai thì nó vẫn tiếp tục chuyển động, vẫn tiếp tục
chuyển hóa. Các sư cô, khi đóng xong vai trò trên sân khấu, vô cởi lớp hóa
trang cũ ra để đóng vai trò khác, phía sau sân khấu vẫn có sự hoạt động.
Điều này ta thấy rất rõ trong giáo lý dị thục cũng như sự diễn biến của
nghiệp.
Sát na dị thục
Khi một nghiệp nhân được gây ra thì nghiệp nhân đó có thể đưa lại nghiệp
quả liền lập tức. Nhưng nghiệp nhân đó còn có thể đưa tới nghiệp quả dài
dài. Ta nói một câu và làm cho người kia vui hay buồn, ngay trong giây phút
đó đã có kết quả hiện tiền. Câu nói này trở thành quá khứ và vẫn tiếp tục
trên con đường dây chuyền nhân quả. Nó có thể ảnh hưởng đến tư duy của
người ấy sau này và có thể ảnh hưởng đến tư duy, lời nói và hành động của
ta sau này.
Trong Duy Biểu học có danh từ dị thục. Dị thục là chín từ từ và đưa tới
kết quả, không những trong giờ phút hiện tại, mà còn trong tương lai. Thục
là chín và dị là có chuyển hóa, có thay đổi khác trước. Ví dụ, một trái cam
khi còn bé thì xanh chua, khi chín thì đỏ vàng và ngọt. Trái cam cần có thời
gian để chín, nghiệp của chúng ta cũng cần có thời gian để chín. Nó có thể
có kết quả liền lập tức, nhưng có khi phải đợi đến 20 năm sau mới có kết
quả lớn. Đức Thế Tôn chỉ hành đạo trong vòng 45 năm nhưng lời nói, hành
động và cách sống của Ngài có ảnh hưởng lâu dài, không những trong nước
Ấn Độ mà còn trên khắp thế giới, không những trong thế kỷ thứ 7 mà còn
trong thế kỷ thứ 10, thứ 25, thứ 30. Những hạt giống Ngài gieo, có khi đến
ba ngàn năm sau mới chín. Quan niệm dị thục rất hay. Dị là biến đổi, thục là
chín. Dị có nhiều nghĩa. Nó cũng có nghĩa là khác thời. Dị thục có nghĩa là
chín không cùng một thời. Nghiệp có khi chín rất mau, có khi chín rất lâu,
tùy theo loại. Thời gian chín của trái mít, trái chuối, trái xoài....khác nhau.
Khi chín thì nó không còn giữ hình thái cũ (biến màu). Như con sâu, nhân
của nó tuy là con sâu nhưng khi chín thành quả thì nó trở thành con bướm,
con bướm rất khác con sâu. Đó gọi là biến dị.