đại của bậc đạo sư cho nên phải mượn hình ảnh của cây Bồ đề và tòa Bồ đề
để biểu trưng cho sự kính lễ. Người ta có thể thấy Đức Thế Tôn bằng con
mắt vô tướng. Trong ý thức đó mà người Phật tử của nhiều thế hệ sau khi
Bụt nhập diệt không nỡ làm tượng Bụt vì nghĩ tạo tượng Bụt là làm cho Bụt
mất đẹp hơn.
Chúng ta thấy có những tác phẩm xuất hiện trong các bộ phái, nhất là
trong Đại Chúng Bộ, bắt đầu nói rằng, người cư sĩ có thể sống qua nhiều
kiếp để thực tập những cái có thể đưa mình lên cao như thực tập bố thí, trì
giới, nhẫn nhục, thiền định và những pháp môn khác. Ngoài con đường của
Thanh văn còn có con đường của Duyên giác và của Bồ tát. Hai nền văn
học, Bản sinh và Thí dụ, đưa ra không biết bao nhiêu là hình ảnh của những
người đang thực tập. Mong ước của họ không phải là chỉ trở thành một vị A
la hán mà họ muốn hướng đến Phật quả. Tuy là Tiểu thừa nhưng họ đã nói
tới Bồ tát thừa, đã có ý niệm về Tam thừa (Thanh văn thừa, Duyên giác thừa
và Bồ tát thừa). Bồ tát thừa đó là Bồ tát thừa của Tiểu thừa, sau này có Bồ
tát thừa của Đại thừa. Họ đã bắt đầu nghĩ đến những giai đoạn, những tầng
lớp, cấp bậc của sự tu học. Họ bắt đầu nói đến mười địa, nhưng mười địa
của Phật giáo Tiểu thừa rất khác với mười địa của Phật giáo Đại thừa sau
này như trong kinh Thập địa (Daśabhūmika-sūtra).
Nghiên cứu về những tư tưởng trong thời kỳ này rất vui, rất hứng thú! Tác
phẩm Dị Bộ Tông Luân Luận cho chúng ta rất nhiều dữ kiện về giáo lý và
về sự thực tập trong thời đại này. Bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất trước Thiên
Chúa giáng sinh, các kinh Đại thừa đã bắt đầu xuất hiện, đó là kinh Bát Nhã.
Những nét đặc biệt của Đại thừa là:
1. Lý tưởng La hán chuyển thành lý tưởng Bồ tát
Trước kia thì người ta nói, những vị Bồ tát của Đức Thế Tôn là những
người rất đặc biệt. Chúng ta không có hy vọng làm được như họ. Tuy họ có
mặt đó nhưng họ siêu việt. Các bộ phái như Đại Chúng Bộ hay Thượng Tọa
Bộ đều tin tưởng rằng Bụt có trí tuệ, thần lực quá lớn mà một con người như
chúng ta không bao giờ dám mơ tưởng mình có thể đạt được một ngày nào
đó. Vì thế họ bằng lòng với lý tưởng La hán.