Sau đó lý tưởng Bồ tát xuất hiện. Trong Nghi thức sám hối hồng danh của
Thiền môn nhật tụng, chúng ta vẫn còn có dấu tích của niềm tin mới: Ngã
kim phát tâm, bất vị tự cầu nhân thiên phước báu, thanh văn duyên giác, nãi
chí quyền thừa chư vị Bồ tát, duy ư tối thượng thừa phát bồ đề tâm: nguyện
dữ nhất thiết pháp giới chúng sanh nhất thời đồng đắc a nậu đa la tam miệu
tam bồ đề. Có nghĩa là: Con bây giờ phát tâm, không phải thành Thanh văn
hay La hán mà cũng không thành một vị Bồ tát nửa vời (quyền thừa là thừa
nửa chừng). Con chỉ muốn theo tối thượng thừa (cỗ xe lớn nhất) và nguyện
cùng tất cả chúng sanh đồng đạt tới quả vị Chánh đẳng chánh giác. Con chỉ
muốn thành Phật thôi, con không muốn làm Bồ tát khơi khơi, không muốn
làm Thanh văn hay La hán.
Từ ngày đó hình ảnh La hán không còn là hình ảnh lý tưởng tuyệt vời
nữa. Nó được thay thế bằng hình ảnh một vị Bồ tát.
2. Ba la mật
Ba la mật có nghĩa là sự toàn hảo (perfection), là đi qua hẳn bờ bên kia.
Con đường Ba la mật, ngoài trí tuệ do sự quán chiếu để đi tới giải thoát, còn
có những sự thực tập khác như bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền
định. Sự thực tập bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định cũng quan
trọng như sự thực tập quán chiếu trí tuệ.
Trong đạo Bụt nguyên thủy, yếu tố không thể không có để giúp ta đi tới
giải thoát, giác ngộ là yếu tố trí tuệ, tức thiền chỉ và thiền quán. Chỉ có chỉ
và quán mới giải thoát được chúng ta.
Đến Đại thừa, người ta nâng từ bi lên ngang hàng với trí tuệ. Nếu thực tập
từ bi thì chúng ta cũng có thể có giải thoát được. Bi được nâng lên ngang
hàng với trí, trí và bi viên mãn. Không phải chỉ có trí mà bi cũng đưa tới giải
thoát, giác ngộ. Bố thí là từ bi, trì giới là từ bi, nhẫn nhục là từ bi. Ở Làng
Mai chúng ta được học là bi và trí tương dung. Hễ có hiểu là có thương, có
thương thiệt là có hiểu trong đó rồi. Cắt bi và trí rời ra thì không đúng lắm.
Một trong những đường nét của Phật giáo Đại thừa là nâng đại bi lên ngang
với đại trí.
Sự cần thiết của Bồ đề tâm