thì thầy không cần phải luyến tiếc sắc thân này làm gì?”. Những danh từ như
sắc thân, pháp thân đã có sẵn trong Phật giáo Nguyên thỉ.
Sắc thân sau này được hiểu là hóa thân (nirmāna-kāya). Nhưng chữ pháp
thân của Phật giáo Nguyên thỉ không giống như chữ pháp thân trong Phật
giáo Đại thừa. Pháp thân trong Phật giáo Đại thừa có nghĩa rất khác. Ngoài
ra trong Phật giáo Đại thừa còn có thêm báo thân (sambhogakāya), chúng ta
sẽ có cơ hội để nói về báo thân. Tôi không hạnh phúc với quan niệm báo
thân của Phật giáo Đại thừa cho lắm tại vì nó có thể đưa Phật giáo tới gần
với Thần giáo. Rất nguy hiểm! Một trong những đặc điểm của Phật giáo Đại
thừa là quan niệm tam thân.
4. Sự phát triển của giáo lý Không
Trong Phật giáo Tiểu thừa đã có những kinh nói về Không. Trong Tam
giải thoát môn đã có Không-Vô tướng-Vô tác. Nhưng ở Phật giáo Đại thừa
giáo lý về Không được đưa lên một địa vị cao nhất. Không không chỉ là ngã
không (không có ngã) mà còn là pháp không.
Phật giáo Bộ phái dạy rất nhiều về ngã không. Hữu Bộ nói: Ngã vô pháp
hữu. Cái ngã thì không có nhưng những yếu tố tụ họp lại để cho ta có ảo
tưởng là có ngã thì có. Đó là chủ trương của Hữu Bộ.
Đại thừa lật ngược trở lại: Những pháp được cho là có đó cũng là không.
Ngã không mà pháp cũng không. Từ đó phát sinh ra ý niệm về chân như
(tức nền tảng của mọi thực hữu, không đi ngang qua vô thường, vô ngã,
không có tới, không có đi) và quan niệm về tàng thức hay A-lại-da thức.
Sự phát triển của nền triết học và tư tưởng Đại thừa đưa chúng ta tới siêu
hình học. Không, chân như, tàng thức trở thành một nền tảng, trở thành bản
thể của hiện hữu (ontological ground). Điều đó rất nguy hiểm!
Chúng ta nói, bông hoa được biểu hiện nhờ những yếu tố như mặt trời,
đám mây, đại địa, hạt giống. Trong bông hoa không có một cái gì riêng biệt,
chắc thật hay trường cửu. Nó không phải không có, nó có đó nhưng cái lõi
của nó là không. Chữ Không chỉ có ý nghĩa là không có gì chắc thật, không
có gì trường cửu, không có gì bất biến trong đó. Chữ Không ban đầu chỉ có
nghĩa như vậy.