2. Đảo Sử (Dipavamsa)
Đảo Sử là một tài liệu của Tích Lan, được viết vào thế kỷ thứ tư, 300 năm
sau Thiên Chúa giáng sinh. Đây cũng là một tài liệu của Theravāda. Dipa là
hải đảo, tức là nước Tích Lan. Theo tài liệu này, tất cả sự hình thành 18 bộ
phái đều xảy ra trong thế kỷ thứ 2 sau ngày Đức Thế Tôn nhập diệt.
Luận Sự và Đảo Sử là những tác phẩm thuộc truyền thống miền Nam. Sau
đây là những tác phẩm thuộc truyền thống miền Bắc.
3. Xá Lợi Phất Vấn Kinh
(Sariputrapariprcchāsūtra) T.1465.
Trong kinh này Đức Thế Tôn nói, sau khi ta nhập diệt mấy trăm năm thì
tăng đoàn sẽ có sự phân chia ra làm mấy phái, ai làm chủ phái nào và có
những chủ trương gì. Bụt tiên đoán trước hết tất cả, điều này chứng tỏ tác
phẩm này được viết sau khi Bụt nhập diệt.
Ký hiệu của tác phẩm là T.1465, nếu mở Đại Tạng Tân Tu chúng ta sẽ
thấy quyển kinh mang số 1465. T. là chữ viết tắt của Taisho tức Đại Chánh,
một tạng kinh do hai nhà học giả người Nhật sưu khảo và biên tập một cách
rất khoa học (Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng kinh). Tân tu là mới tu bổ lại, làm
cho hoàn chỉnh trở lại.
Khi nghiên cứu Kinh, chúng ta biết kinh này là sản phẩm của Đại Chúng
Bộ (Mahāsanghika). Tuy đây là tài liệu của Đại Chúng Bộ nhưng đã được
cất giữ, tàng trữ và sử dụng bởi Phật giáo miền Bắc (tức Hữu Bộ), và địa
bàn là miền Bắc Kashmir. Kashmir của Hữu Bộ tồn tại được hơn 1000 năm.
Từ Kashmir, đạo Bụt được truyền qua Trung Á và Trung Hoa theo “con
đường tơ lụa”. Thầy Huyền Trang ngày xưa cũng đã đi qua con đường tơ lụa
(the silk road) này. Chúng ta bắt đầu học tới tư liệu sử dụng trong khóa tu
này:
4. Dị Bộ Tông Luân Luận
(Samayabhedoparacanacakra) của thầy Thế Hữu (Vasumitra) T. 2031,
Huyền Trang dịch, Việt bản: Thích Trí Quang.