choạng tối của ngày 28 tháng 5. Sau này, ông kể: “Có cái gì đó thật
hão huyền. Theo chỗ tôi biết thì không một ai mảy may biết về
việc đáy sẽ tụt xuống tận bao nhiêu điểm. Vào thời điểm đóng cửa
của ngày hôm đó, chỉ số Dow-Jones trung bình giảm gần 35 điểm,
xuống còn khoảng 577. Ngày nay ở Phố Wall, người ta vẫn kín đáo
phủ nhận điều này nhưng hồi ấy, nhiều vị chóp bu kháo nhau về
cái đáy là 400 điểm - nếu xảy ra như thế hẳn sẽ là một thảm họa.
Người ta nghe thấy hai chữ ‘bốn trăm’ được lặp đi lặp lại; thế
nhưng nếu bây giờ hỏi lại, họ sẽ nói là ‘năm trăm’. Và cùng với
những sự e dè đó là một cảm giác tuyệt vọng sâu sắc rất đặc trưng
trong giới môi giới. Chúng tôi biết rằng khách hàng của mình -
không phải tất cả đều giàu có - đã phải chịu tổn thất lớn từ các
hành động của chúng tôi. Nói thật nhé, thật là quá sức vô lý khi đánh
mất tiền của người ta! Hãy nhớ rằng điều này xảy ra vào thời gian
cuối trong thời kỳ 12 năm cổ phiếu liên tục tăng giá. Sau hơn một
thập kỷ, dù ít dù nhiều thường xuyên mang lại lợi nhuận liên tục cho
bản thân và khách hàng, anh có thể nghĩ mình đang làm khá tốt.
Anh đang ở đỉnh cao. Anh có lãi và thế là xong. Cuộc khủng hoảng
làm bộc lộ một yếu điểm. Nó làm cho người ta gần như mất đi
niềm tin, mà niềm tin khi đã mất đi thì khó mà nhanh chóng lấy
lại. Có vẻ như bấy nhiêu là quá đủ để một nhà môi giới ước ao rằng
giá như họ tuân theo nguyên tắc ‘vàng’ của de la Vega: ‘ Không bao
giờ “xúi” ai mua hay bán cổ phiếu ’ bởi vì khi đã không còn sáng
suốt, ngay cả một lời khuyên nhân đạo nhất cũng có thể gây hậu
quả khôn lường.”
Sang đến sáng thứ Ba, những thua lỗ của thứ Hai đã trở nên quá
rõ ràng. Người ta tính toán, trên giấy tờ, khoản lỗ lên tới
20.800.000.000 đô-la trên toàn bộ cổ phiếu niêm yết ở Sở giao
dịch. Đây là con số kỷ lục của mọi thời đại, ngay cả ngày 28 tháng 10
của năm 1929 cũng chỉ lỗ 9.600.000.000 đô-la; nhưng mấu chốt
nằm ở chỗ tổng giá trị của các cổ phiếu niêm yết trên Sàn năm
1929 nhỏ hơn rất nhiều so với tổng giá trị của năm 1962. Kỷ lục mới
này cũng chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng thu nhập quốc gia
của Mỹ - gần 4%. Trên thực tế, tổn hại của nước Mỹ có thể ví như
việc chỉ trong một ngày, nước Mỹ bị mất đi tổng giá trị sản phẩm của
hai tuần. Và tất nhiên, việc này tác động trở lại thị trường nước
Â