thời điểm đó, các nhóm nhà khoa học tại Battelle và Haloid hết
vướng phải vấn đề kỹ thuật rối ren bất ngờ này lại sang một rối
ren bất ngờ khác; thực sự có lúc, những người ở Haloid chán nản
đến mức đã tính đến chuyện bán quách hết các quyền in sao chụp
khô của họ cho công ty International Business Machines. Nhưng
thương vụ này cuối cùng lại bị hủy ngang xương và khi công cuộc
nghiên cứu tiếp tục triển khai và chi phí cho việc này lên cao
chất ngất, sự cam kết của Haloid đối với công nghệ này dần dần
trở thành vấn đề mang tính vận mệnh. Năm 1955, một thỏa thuận
mới được vạch ra, theo đó Haloid có toàn quyền sở hữu đối với
các bằng sáng chế của Carlson và gánh toàn bộ chi phí triển
khai dự án; để trang trải cho dự án, công ty này phát hành hàng
đống cổ phiếu khổng lồ của mình cho Battelle; về phần mình,
Battelle phát hành một ít cổ phiếu cho Carlson. Từ năm 1947 đến
năm 1960, Haloid tiêu tốn khoảng 75 triệu đô-la cho các hoạt
động nghiên cứu in xero, khoảng gấp đôi doanh thu từ các hoạt
động thường xuyên của mình trong cùng kỳ. Số dư tài khoản được
gia tăng thông qua việc vay và phát hành lượng lớn cổ phiếu
thường cho bất cứ ai đủ tử tế, liều lĩnh hoặc biết tiên liệu
thời điểm mua. Đại học Rochester, vì hứng thú với ngành công
nghiệp địa phương đang chật vật, đã mua một số lượng rất lớn
cho quỹ quyên tặng của nó với giá lên tới 50 xu/cổ phiếu. “Xin
đừng sửng cồ lên với chúng tôi nếu chúng tôi phải bán cổ phần
của Haloid trong một vài năm tới để cắt lỗ”, một quan chức đại
học lo lắng đã cảnh báo Wilson như vậy. Trong khi đó, ông cùng
các lãnh đạo khác của công ty nhận gần như toàn bộ lương dưới
hình thức cổ phần, một số họ thậm chí còn dồn toàn bộ các khoản
tiền tiết kiệm và thế chấp nhà cửa của mình để duy trì sự
nghiệp này. Năm 1958, tên của công ty đã được đổi thành Haloid
Xerox dù chưa tung ra được thị trường sản phẩm xero đáng kể
nào. Thương hiệu “Xerox” được Haloid sử dụng vài năm trước đó,
bắt chước trơ trẽn thương hiệu “Kodak” của Eastman như Wilson
từng thừa nhận. Chữ “X” cuối cùng trong cái tên Xerox liền sau
đó bị buộc phải viết thường, bởi người ta thấy chẳng ai muốn
phải nhọc công viết hoa nó, nhưng kiểu tên mà đọc xuôi đọc
ngược nó na ná nhau vẫn được giữ nguyên. Theo Wilson, thương
hiệu XeroX hay Xerox được chọn và duy trì trước sự phản đối
quyết liệt của nhiều chuyên gia tư vấn trong công ty vì họ e
ngại công chúng sẽ thấy cái tên đó khó đọc, hoặc có hàm ý của
một chất chống đông, hoặc sẽ mường tượng ra một từ cực kỳ đáng
chán đối với những đôi tai tài chính: “Số 0 tròn trĩnh”.</p>
<p class="calibre2">Sau đó, năm 1960, cuộc bùng nổ máy copy xảy
ra và đột nhiên, tất cả mọi thứ đảo lộn. Thay vì hoang mang
liệu thương hiệu của mình có thành công hay không, Haloid Xerox
lại lo lắng về việc công ty đang <em class="calibre5">quá</em>
thành công bởi vì động từ mới “xerox” bắt đầu xuất hiện thường
xuyên trong các cuộc trò chuyện và trong ngành in ấn đến nỗi