ra tận cổng để nhìn mưa. Những hạt mưa hiếm hoi tạt vào bên trong, rơi
trúng người tôi. Thật là dễ chịu và buồn.
Nhưng lần này đã có người chiếm chỗ ở cổng của tôi. Chính cô sinh viên
đó đang đứng, tựa hẳn người vào dầm cửa, rít thuốc liên tục. Và khóc. Tôi
không nhớ cô ăn mặc ra sao. Chỉ nhớ cô đi giày cao gót. Cô rất xinh đẹp.
Tôi có cảm tưởng sẽ không bao giờ còn nhìn thấy một cô gái xinh đẹp như
vậy nữa. Cô rít thuốc và khóc. Rồi hút hết điếu thuốc và bước đi dưới mưa.
Không áo mưa, không dù che.
Cô không bao giờ đến chỗ chúng tôi nữa.
*
Có đoàn thanh tra từ Moskva đến. Giám đốc bị khiển trách, còn các “cậu
bé” bị đưa vào nhà dưỡng lão. Cô giáo của họ đến lớp chúng tôi “Giờ cô sẽ
làm việc với các em cho đến khi các em ra trường”. Tôi đã lên lớp năm.
Nhóm tiểu học đã kết thúc và bây giờ chúng tôi có giáo viên chủ nhiệm
riêng và cô giáo phụ trách riêng.
Một tháng sau khi các “cậu bé” được đưa tới nhà dưỡng lão, cô giáo phụ
trách đi thăm những người được mình bảo trợ. Cô quay về và kể hết với
chúng tôi. Trong số tám người chỉ có Genka còn sống. Nhà dưỡng lão gồm
các ngôi nhà biệt lập kiểu lều gỗ. Người già và người tàn tật được phân ra
theo mức độ tàn tật. Các “cậu bé” của chúng tôi nằm riêng trong một lều
với những người kiệt sức. Dọc tường là những hàng dài giường tầng, nước
tiểu nhễu giọt. chẳng có ai tới chỗ họ. Cô giáo mang đến cho họ các loại
nước hoa quả đựng trong những lọ lớn. Cô kể về Genka “Nó có vẻ giận dữ,
bảo cô mang nước quả về đi, đàng nào bọn người đi được cũng uống hết”.
Tôi hỏi cô điều gì sẽ đến với tôi khi tôi lớn. Người ta cũng sẽ chở tôi đến
nhà dưỡng lão và tôi sẽ chết?
- Tất nhiên.
- Nhưng khi đó em mới chỉ có mười lăm tuổi. Em không muốn chết
sớm như vậy. Hoá ra tất cả đều vô ích ư? Vậy học để làm gì?
- Chẳng có gì vô ích cả. Các em phải học bởi vì các em được nuôi
không phải trả tiền. Mà này, em đã học thuộc bài chưa
Kể từ đó tôi thay đổi rất nhiều. Chỉ những chứng cớ nhỏ nhặt cũng đủ làm