của nhân loại..." (Tôi nhấn mạnh các công thức - chìa khóa.)
Bằng quan niệm đó về lịch sử, Tolstoi vẽ nên cái không gian siêu hình
trong đó các nhân vật của ông chuyển động. Không biết được cả ý nghĩa
của lịch sử lẫn hành trình tương lai của nó, thậm chí không biết được ý
nghĩa khách quan của các hành vi của chính mình (bằng những hành vi ấy
họ tham dự "một cách vô ý thhức" vào các biến cố mà "họ không hiểu được
ý nghĩa") họ đi tới trong sương mù. Tôi nói sương mù, chứ không phải
bóng tối. Trong bóng tối, người ta không nhìn thhấy gì cả, người ta mù,
người ta phó mặc, người ta không tự do. Trong sương mù, người ta tự do,
nhưng là tự do của người ở trong sương mù: anh ta nhìn thấy 50 mét về
phía trước, anh ta có thể phân biệt rõ nét mặt người đối thoại với mình, anh
ta có thể thích thú vì vẻ đẹp của hàng cây bên đường và thậm chí quan sát
những gì diễn ra bên cạnh và phản ứng lại.
Con người là kẻ đi tới trong sương mù. Nhưng khi quay nhìn lại phía sau
để phán xét những con người quá khứ, hắn chẳng thấy chút sương mù nào
cả trên con đường của họ. Từ cái hiện tại của mình, nó từng là cái tương lai
xa xăm của họ, hắn thấy con đường của họ hoàn toàn sáng rõ, có thể nhìn
thấy suốt cả chiều dài của nó. Quay nhìn về phía sau, con người nhìn thấy
con đường, hắn nhìn thấy những con người đang đi tới, hắn nhìn thấy
những sai lầm của họ, nhưng chẳng còn sương mù ở đấy nữa. Vậy mà, tất
cả Heidegger, Maiakovski, Aragon, Ezra Pound, Gorki, Gottfried Benn,
Saint - John Perse, Giono, tất cả họ đã đi trong sương mù, và ta có thể hỏi:
ai là người mù hơn cả? Maiakovski trong khi viết bài thơ Lênin của mình
đã không biết chủ nghĩa Lênin sẽ dẫn đến đâu? Hay là chúng ta phán xét
ông với độ lùi nhiều chục năm và không nhìn thấy đám sương mù đã bao
quanh ông?
Sự mù quáng của Maiakovski là thuộc về thân phận con người.
Không nhìn thấy sương mù trên con đường của Maiakovski, tức là quên
mất con người là gì, quên mất chính chúng ta là gì.
(Nhà xuất bản Văn hoá thông tin- Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây,
Hà Nội 2001)