2. Hiện hữu trong tiếng hát
Vị thế của dân ca với đời sống tâm lí tộc người
Bài hát sắp hết lại không hết
(Doãn Thanh 1967)
Được biết đến là những di dân vĩ đại cuối cùng của thế giới, mà diễn biến hiện giờ vẫn
còn rất phức tạp, người H’mông với số phận lưu vong đặc biệt của họ là một chủ đề đầy
khiêu khích, tốn không ít giấy mực của khu vực nghiên cứu H’mông. Di sản vật thể của họ,
cái còn lại sau những tháng năm liên tục di chuyển, thật không đáng kể tới là một di sản
kiến trúc đầy tính tạm bợ, nghèo nàn và luôn có vẻ mất vệ sinh
; một nền nghệ thuật tạo
hình thì gần như không có gì, trái lại, những cái cụ thể nhất tạo ấn tượng mạnh lại chính là
những tấm váy áo, đồ trang sức của phụ nữ H’mông với kỹ thuật dệt, chế tác tinh xảo. Và,
khác nữa, tưởng như là trừu tượng nhưng thực ra rất sống động, nổi bật lên là “cá tính
H’mông”. Chính cá tính H’mông là vấn đề then chốt khi tìm hiểu tộc người này. Cá tính
H’mông là cấu trúc ngầm ẩn, quyết định toàn bộ số phận văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng người
H’mông. Và, sự duy trì nền văn hóa, tín ngưỡng và số phận lịch sử đặc biệt của tộc người,
ngược lại, vun đắp cho cá tính H’mông tồn tại trong tâm hồn, mà biểu hiện ra bên ngoài có
khi bằng những hình thức rất khác nhau trong lịch sử, nhưng từ trong chiều sâu, luôn mang
chứa động cơ bền vững và thống nhất cấu trúc.
Trong khi ấy, như chúng ta hiểu, tộc người luôn là một thể phức hợp, bao gồm một hệ
thống những yếu tố vốn không thể chia tách. Muốn hiểu tâm lí tộc người, do vậy, phải xuất
phát từ nhiều bình diện nghiên cứu khác nhau, nhằm bổ túc cho nhau cùng làm sáng vấn đề.
Xuất phát điểm từ di sản để lại của văn học truyền khẩu tộc người mà thông hiểu tâm tính.
Một nghiên cứu nhân học văn học, do vậy, là rất cần thiết. Cần phải được triển khai trên thế
mạnh mà chỉ khoa ngữ văn học tộc người mới có được trong việc bóc tách các lớp ý nghĩa,
như bóc tách từng lớp một củ hành, để tìm ra cái nhân lõi tộc người từ kho tàng văn học
dân gian luôn rất đồ sộ. Đồng thời, một ngữ văn học tộc người thì không quên nhiệm vụ
luôn phải đặt văn chương truyền khẩu trở lại nguồn cội không gian xã hội rộng lớn khởi
sinh ra nó; thậm chí, kết nối bối cảnh chính trị tộc người với các bài ca dân gian. Chính ở
trong không gian xã hội rộng lớn ấy, nơi tồn tại hàng loạt mối tương quan chồng chéo
nhưng chặt chẽ giữa các đặc thù tín ngưỡng, chính trị, văn hóa, văn học cũng như đặc thù
tâm lí tộc người, những thành tố cùng góp vào kiến tạo nên “cá tính H’mông”, ta mới có
thể thông hiểu được cá tính ấy. Việc đánh giá không đúng vị trí nguồn văn học dân gian đồ
sộ của tộc người, do vậy, luôn là thiếu sót đáng chê trách để có được cái hiểu tổng thể các
xã hội miền núi. Sử gia P. Le Failler cho biết: để khắc phục những giới hạn của nghiên cứu