quan trọng như thế với các tộc người Tây Nguyên, sử thi mới là vị trí số một trong kho tàng
văn hóa các tộc người nơi đây
. Do vậy, chọn lựa một thể loại văn học, để từ đấy, mở ra
nghiên cứu tâm lí tộc người phải có cơ sở cụ thể. Thể loại được chọn lựa phải đảm bảo
được sự chiếm dụng rộng rãi, có vị trí to lớn hơn cả trong kho tàng văn học tộc người và
rộng ra là trong không gian xã hội tộc người. Thông qua tiếp xúc với thể loại nổi trội ấy,
mở rộng ra các hình thức folklore phụ cận, hi vọng sẽ chạm vào được những vỉa ngầm ẩn
chìm sâu trong tâm lí cộng đồng, làm thành bản chất cá tính một tộc người, cái khiến tộc
người này hiện hữu như là chính nó đã tồn tại. Nói giản đơn, từ khảo cổ học vô thức dân ca
H’mông, sẽ khai quật lên các vết tích tâm lí tộc người H’mông. Từ đấy, để biết được tâm
hồn người H’mông đã có những nét tính cách nào làm thành H’mông. Bởi, hệ thống cá tính
tộc người cũng chính là cái làm nên căn cước, bản sắc tộc người. Vì thế, riêng với người
H’mông, xuất phát từ thể dân ca để hiểu tâm hồn tộc người là một khảo sát, chọn lọc có chủ
ý.
Sau cùng, từ phát biểu của M.Mauss, đến phát biểu nổi tiếng của G. Devereux, tâm lí
là văn hóa thu vào bên trong còn văn hóa là tâm lí phóng chiếu ra ngoài, thì trong môi
trường nguyên hợp của tư duy folklore dân gian, dân ca hiển nhiên hắt bóng tâm tính tộc
người. Điều này càng rõ nghĩa hơn, nghĩa mang tính quyết định trong việc tìm hiểu tâm
thức tộc người khi với tộc người ấy lời ca tiếng hát là toàn bộ tinh hoa, tinh huyết trong tâm
hồn và tài năng được cô đúc lại, thăng hoa và vút bay trong dòng lịch sử. H’mông tộc là
một ca điển hình.
Nói, tiếng hát của tộc người chính là phần tinh hoa trong văn hóa tộc người thăng hoa
thành giai điệu và vút bay có thể xem như một nhận định phổ quát đúng. Nhà dân tộc học
Lã Văn Lô, với lối văn phong “phổ quát” của các “cán bộ khoa học” (chữ Đỗ Lai Thúy
dùng cho Đặng Nghiêm Vạn) đã có những miêu tả khá cụ thể về vấn đề này, xứng đáng tiêu
biểu để tham khảo:
Đồng bào thiểu số rất yêu văn nghệ, có tâm hồn văn nghệ và có nhiều khả năng làm văn nghệ. Trong
sinh hoạt hàng ngày, văn nghệ đã trở thành tập quán, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được.
Văn nghệ đến với đồng bào sau những giờ làm việc mệt nhọc, trên nương rẫy, quanh bếp lửa, sau bữa cơm
tối, trong những ngày vui cũng như trong lúc đau thương tang tóc. Người ta làm văn nghệ để chào hỏi nhau,
ướm thử lòng nhau, thổ lộ tình yêu với nhau, tiến tới yêu nhau, cùng nhau xây dựng gia đình. Người ta làm
văn nghệ để mừng đám cưới, mừng ngày sinh nhật, mừng nhà mới, để ru con, dạy bảo con cháu, để thương
khóc người chết. Đồng bào Tây-nguyên còn có tục dùng ca dao, ngạn ngữ hoặc những điều đã qui định trong
luật lệ cổ truyền của dân tộc đấu lí với nhau để phân biệt phải trái, trắng đen. Đôi khi xảy ra bất bình với một
ông bạn láng giềng nào đó, đồng bào hát lên để trách móc, tỏ nỗi bất bình của mình. Người láng giềng hát trả
lời và cuộc đối xướng diễn ra giữa hai người cho tới khi thấy được lẽ phải mới thôi.