Và vì H’mông là di dân, một di dân mãnh liệt, nên với H’mông mảnh đất cố hương dù
tồn tại, nhưng là một vấn đề rất nhạt. Nó khác với tộc người cùng nhóm ngôn ngữ, người
Dao, quê hương Dương Châu cũ luôn cụ thể và có phần cố định trong tâm thức. Người Dao
vì thế, dễ dàng “hạ sơn” hơn người H’mông. Với H’mông, chúng ta có thể nhận thấy đây
đó, có những mảnh đất mang bóng hình quê hương cũ, như Quí Châu luôn hiện lên như địa
danh qui hồi, thoái lùi về “quê người H’mông ở Quí Châu” trong tâm lí H’mông được hiển
hiện lên có lúc cụ thể, định vị trong dân ca. Vương Duy Quang thì cung cấp thêm địa danh
Pàng lầu tàng, thuộc phủ Khai Hoa, một vùng của châu Văn Sơn thuộc Vân Nam Trung
Quốc là địa danh gốc của nhiều cuộc di cư H’mông đến Việt Nam. Tư liệu khác thì lại cho
Mèo Vạc là đất tổ tiên H’mông Việt Nam... Thế cho nên, dù cho mờ nhạt, nhưng Quí Châu,
Pàng lầu tàng hay Mèo Vạc vẫn mãi mãi như đấng sinh thành đã mất, lùi rất xa, mịt mù vào
quá khứ. Quí Châu, hay mảnh đất đâu đó, đã lặn sâu vào trí nhớ tộc người, lâu lâu lại quẫy
đạp trong vô thức tập thể, người H’mông không còn có thể tìm về nhưng vẫn mãi nhớ. Một
nỗi nhớ truyền đời, mơ hồ. Và có khi càng mơ hồ càng da diết. Và vì mảnh đất sinh thành
đã mất nên người H’mông vĩnh viễn trở thành những đứa con mồ côi, lưu vong
.