nghèo Ethiopia. Năm 1985, Ethiopia là đất nước nghèo đói và khó khăn
nhất thế giới. Nền kinh tế luôn trong tình trạng trì trệ. Hạn hán và nội chiến
đã tàn phá nguồn cung cấp lương thực. Hàng nghìn người dân chết dần chết
mòn vì thiếu ăn và bệnh tật. Trong tình trạng đó, tôi hẳn đã không ngạc
nhiên nếu Mexico đã gửi 5 nghìn đô-la tiền cứu trợ cho đất nước nghèo
túng cùng quẫn này. Nhưng tôi đã ngỡ ngàng khi đọc được một mẩu tin
trên báo khẳng định số tiền cứu trợ này đã đi theo hướng ngược lại. Các cán
bộ địa phương của tổ chức Chữ thập đỏ Ethiopia đã quyết định gửi số tiền
này để trợ giúp những nạn nhân vụ động đất cùng năm đó tại thành phố
Mexico.
Thật may lần này tôi đã có cơ hội tìm được lý do đầy đủ cho câu chuyện.
Có một nhà báo cũng ngơ ngác như tôi trong chuyện này đã đi tìm một lời
giải thích. Câu trả lời mà anh nhận được lại là một minh chứng hùng hồn
cho nguyên tắc đáp trả: Mặc dù Ethiopia đang rất cần được hỗ trợ nhưng số
tiền đó vẫn được gửi cho Mexico vì Mexico đã trợ giúp Ethiopia năm 1935,
khi đất nước này bị Italy xâm lược. Khi biết đựơc câu trả lời, tôi vẫn xúc
động dù không còn thấy khó hiểu nữa. Nhu cầu đáp trả đã vượt lên sự khác
biệt văn hóa, khoảng cách, cái đói và tính tư lợi trước mắt. Rất đơn giản,
nửa thế kỷ sau, chống lại mọi tác động đối nghịch, lòng biết ơn vẫn thăng
hoa.
Xã hội loài người đã thực hiện chính xác việc khi tạo ra một lợi thế cạnh
tranh đáng kể từ nguyên tắc đáp trả và đảm bảo cho các thành viên được
rèn luyện để tin tưởng và làm nó. Mỗi người đều được dạy sống sao cho
xứng đáng với nguyên tắc đó và hiểu xã hội sẽ trừng phạt và nhạo báng
những kẻ vi phạm nó như thế nào. Những cái tên mà xã hội gán cho họ đầy
ác nghiệt – kẻ ăn mày, vô ơn bạc nghĩa, kẻ chạy làng. Bởi vì người nhận mà
không cố gắng đáp trả sẽ bị ghét bỏ, nên chúng ta thường làm đủ mọi cách
để không bị coi là nằm trong số đó. Chính những nỗ lực của chúng ta, trong
quá trình đáp trả, vô hình chung đã tạo cơ hội cho những cá nhân đứng
ngoài lợi dụng kiếm lời.