Chia sẻ công việc
Bước 1- Giáo viên nói: “Một định nghĩa cơ bản về trách nhiệm là
thực hiện phần đóng góp của mình. Khi các em còn bé, có lẽ các em
đã được nghe câu chuyện về một cô gà mái đặc biệt (hãy đọc truyện
này cho học sinh nghe, nếu có thể). Cô gà muốn có bánh mì nhưng
trong nhà không còn chút bột mì nào. Vì vậy cô đã quyết định
trồng một ít lúa mì. Cô đề nghị một người nọ giúp cô nhưng người
đó từ chối. Vào mỗi giai đoạn – tưới lúa, gặt lúa, xay lúa, nhóm lửa
và làm bánh – cô tiếp tục hỏi mọi người xem có ai chịu giúp cô một
tay không. Mỗi lần như thế đều không có ai muốn giúp đỡ cô cả.
Nhưng đến lúc chiếc bánh mì ra lò, điều gì đã xảy ra nào?...
Đúng rồi, mọi người đều muốn ăn bánh mì! Và cô gà nói: Khi tôi
đề nghị các bạn giúp tôi trồng lúa, tưới nước và thu hoạch, xay lúa
và làm bánh, các bạn đều nói: không, không, không và không. Vì
thế, tôi đã tự mình làm bánh và tôi sẽ ăn chiếc bánh này một
mình!”. Giáo viên nói: “Là con người, chúng ta rất may mắn -
chúng ta có thể sáng tạo ra các đồ vật - chúng ta đã sáng tạo ra
thế giới của chúng ta. Là người có trách nhiệm, chúng ta phải thực
hiện phần công việc của mình. Vậy các em sẽ thích sáng tạo ra cái
gì?” (đưa ra một số lựa chọn theo sắp xếp của bạn, một số việc vui
vui). Chúng ta sẽ bắt đầu với một bữa ăn nhé? Hoặc chúng ta bắt
đầu từ một bông hoa hay một vườn rau?”
Bước 2- Yêu cầu học sinh lựa chọn, và rồi yêu cầu các em liệt
kê những nguyên vật liệu cần thiết và các công việc cần làm. Gợi ý
để mỗi nhóm chịu trách nhiệm làm một công việc khác nhau. Chẳng
hạn, nếu các em quyết định làm một bữa ăn theo kiểu châu Âu hay
kiểu Nhật (vì đó đang là bài học về văn hóa của cả lớp), một nhóm có
thể chịu trách nhiệm trang trí, một nhóm khác nữa chuẩn bị nguyên
liệu, v.v.