muốn định nghĩa huyền thoại hiện đại một cách có bài bản: tất nhiên tôi
xếp văn bản ấy vào cuối cuốn sách, bởi lẽ nó chỉ làm công việc hệ thống
hoá những tư liệu trước đó mà thôi.
Những tiểu luận này được viết tháng nọ qua tháng kia nên chắc là
không được triển khai gắn bó hữu cơ với nhau: mọi liên kết của chúng là ở
chỗ nhấn mạnh, ở chỗ lặp đi lặp lại. Bởi vì tôi không biết liệu có đúng như
câu cách ngôn, nói đi nói lại nghe mãi bùi tai
, nhưng tôi tin là ít ra những
điều nói đi nói lại biểu đạt cái gì đấy . Và điều tôi tìm kiếm trong suốt cuốn
sách này, đó là những sự biểu đạt. Đấy là những sự biểu đạt của tôi chăng?
Nói cách khác, phải chăng là có một huyền thoại học của nhà huyền thoại
học? Chắc là thế, và chính bạn đọc sẽ tự mình thấy rõ điều tôi cam đoan là
đúng. Nhưng nói thực, tôi không nghĩ vấn đề lại đặt ra hoàn toàn theo cách
ấy . “Sự giải hoặc”, dùng lại một từ ngữ đã bắt đầu sáo mòn, chẳng phải là
một công cuộc oai phong. Tôi muốn nói rằng tôi không thể tán thành niềm
tin truyền thống khẳng định có sự mâu thuẫn về bản chất giữa tính khách
quan của nhà bác học với tính chủ quan của nhà văn, như thể người này
được phú cho một “quyền tự do” và người kia một “thiên hướng”, cả hai
cái đó đều thích hợp để tránh né hoặc để tôn vinh những hạn chế có thực
của mỗi bên: tôi đòi hỏi phải sống đầy đủ khối mâu thuẫn của thời đại tôi,
nó có thể biến châm biếm cay độc thành điều kiện của chân lý.
Roland Barthes