1. Những huyền thoại
Nơi người ta đấu vật
“… Sự thật cường điệu của động tác trong những hoàn cảnh lớn
của cuộc đời.”
Baudelaire
ĐẤU VẬT có đặc tính của một cảnh diễn cực đoan. Ta thấy ở đấy một
lối cường điệu chẳng khác nào sự cường điệu của các sân khấu cổ đại. Vả
chăng đấu vật là một cảnh diễn giữa thanh thiên bạch nhật, bởi vì điều cốt
yếu của đấu trường hoặc vũ đài không phải là bầu trời (giá trị lãng mạn
dành cho những cuộc hội hè của giới thượng lưu), mà là ánh sáng chói
chang từ trên xuống dưới; ngay trong các sàn đấu sâu thẳm và cáu bẩn nhất
ở Paris, đấu vật vẫn mang tính chất những cảnh diễn hoành tráng giữa
thanh thiên bạch nhật của sân khấu Hy Lạp và các cuộc đấu bò tót: ở cả hai
trường hợp ấy, một thứ ánh sáng không gợn bóng tạo nên cảm xúc chẳng bị
níu kéo.
Có những người cho rằng đấu vật là môn thể thao ghê tởm. Đấu vật
không phải là một môn thể thao, đó là một cảnh diễn, và đi xem đấu vật
trình diễn sự Đau đớn thì cũng chẳng ghê tởm gì hơn là được chứng kiến
nỗi đau khổ của Arnolphe hay của Andromaque
. Tất nhiên, có loại đấu vật
giả dối tốn công sức diễn ra với dáng dấp vô tích sự của một môn thể thao
chính quy: loại ấy chẳng có gì thú vị hết. Đấu vật thực thụ, gọi một cách
không thích đáng là đấu vật tài tử, diễn ra trong các sàn đấu mạt hạng, nơi