Bichon ở xứ Da Đen
TẠP CHÍ Match đã kể một chuyện nói lên nhiều điều về huyền thoại
tiểu tư sản liên quan đến người Da đen: một cặp vợ chồng nhà giáo trẻ tuổi
đã thám hiểm xứ sở của dân Ăn thịt người để vẽ tranh; họ mang theo đứa
con mới mấy tháng tuổi tên là Bichon. Ai nấy đều hết sức lấy làm lạ về sự
dũng cảm của ông bố, bà mẹ và con họ.
Thoạt đầu, người ta hết sức bức xúc về thứ anh hùng chủ nghĩa chẳng
có mục đích. Một xã hội vô cớ tiến hành triển khai những hình thức phẩm
chất của mình thì thật là một tình huống nghiêm trọng. Nếu thật sự em bé
Bichon sẽ gặp những mối hiểm nguy (thác lũ, thú dữ, bệnh tật v.v.), thì rõ
ràng ngốc nghếch bắt nó phải chịu đựng chỉ vì lý do duy nhất đến châu Phi
vẽ tranh và để thoả mãn cái phù hoa găm lên vải vẽ “mặt trời và ánh nắng
chói chang”; lại còn đáng trách hơn nữa là coi cái ngốc nghếch ấy như sự
can trường nổi đình đám và gây xúc động. Người ta thấy lòng dũng cảm ở
đây diễn tiến ra sao: đó là một hành động hình thức và rỗng tuếch, nó càng
vô cớ thì lại càng được kính nể; người ta đang ở giữa thời buổi của nền văn
minh hướng đạo sinh, khi chuẩn mực của những tình cảm và những giá trị
hoàn toàn bị tách ra khỏi các vấn đề của tình đoàn kết và tiến bộ cụ thể. Đó
là huyền thoại cũ về “tính cách” nghĩa là về “rèn luyện”. Những thành tích
của Bichon đều cùng loại với những thăng tiến tuyệt diệu: đó là các biểu
hiện về đạo đức, mà giá trị cuối cùng chỉ là nhờ vào quảng cáo mà thôi.
Trong các xứ sở chúng ta, tương ứng với những hình thức thể thao tập thể
xã hội hoá thường có hình thức thể thao – ngôi sao đỉnh cao: sự nỗ lực rèn
luyện thân thể ở đây không xây dựng mối liên kết của cá nhân với cả nhóm,
mà lại khích lệ thứ đạo đức phô trương, sức dẻo dai kỳ lạ, chút phiêu lưu bí
hiểm, thứ đạo đức đoạn tuyệt một cách quái quỷ mọi quan tâm gắn bó với
xã hội.
Chuyến du hành của bố mẹ Bichon lại diễn ra tại một miền rất mơ hồ
không xác định, đâu như là Xứ Mọi Da Đỏ, loại địa phương hư cấu mà
người ta như vô tình xoá mờ những đặc tính chân thật quá, nhưng cái tên