khi một, hai món ăn nấu không ngon. Họ nói: “Chà! Đây là món cá vược,
cứng quá, không bong, có lẽ nấu quá một phút. Còn món củ cải muối này
không đủ cứng và giòn, phải nghe thấy tiếng lạo xạo như đi trong tuyết,
mới biết là ăn được. Còn món sốt này, sì! quá ngọt, chỉ người nước ngoài
thích thôi”.
Ba hoa, ba hoa, ba hoa! Thật lố lăng làm sao! Chị miêu tả chính xác chị,
George và gia đình bên anh làm gì, lúc nào, loại chuyện tôi chán phè. Nó
làm tôi vừa muốn cười phá vừa muốn hét lên khi nghe chị miêu tả những
niềm vui của thế giới bên kia như một người nhận xét nhà hàng nghiệp dư.
Quan đổ những con tôm lấp lánh vào một cái bát.
- Hầu hết người âm rất bận, họ làm việc chăm lắm. Họ muốn thư giãn,
họ đến với chị, chuyện gẫu cũng vì họ nói chị nấu ăn rất ngon. - Nom chị
thiển cận và tự mãn.
Tôi thử làm Quan mắc kẹt vì cái lập luận đầy khiếm khuyết của chị:
- Nếu chị nấu ăn ngon như thế, sao họ lại hay đến phê phán kiểu nấu của
chị?
Quan cau mày và bĩu môi, như thể tôi ngu mới hỏi một câu như vậy!
- Không phải là phê phán, mà chỉ là nói chuyện cởi mở, thẳng thắn như
bạn thân thôi. Họ không ăn thực. Ăn làm sao được? Họ chết rồi! Chỉ ăn giả
vờ thôi. Với lại, phần lớn là họ khen chị, họ bảo chưa bao giờ may mắn
được ăn những món ngon như thế. Ái dà, nếu được ăn món bánh đa điểm
hành lá của chị, thì có chết cũng vui. Nhưng quá muộn rồi, họ đã chết.
- Có lẽ họ nên cố mang về, - tôi càu nhàu.
Quan ngừng một lát.
- A ha ha, vui thật! Em lại đùa rồi! - Chị huých tôi. - Hư lắm nhé. Đằng
nào thì người âm thích đến thăm chị, trò chuyện về cuộc đời đã qua như
một bữa tiệc linh đình, nhiều, nhiều món ngon. “Ồ, - họ nói. - giờ tôi nhớ
ra. Món này tôi thích, món này chưa đủ thích. Món này tôi ngốn quá nhanh.
Sao tôi chưa nếm món kia nhỉ? Sao tôi lại để phần này trong đời tôi trôi qua
hoàn toàn lãng phí?”