Đúng là ám ảnh dai dẳng, hình ảnh đông đảo những linh hồn xám vô
danh: lớp lớp những người thanh niên mặc áo lính, vô tư lự, không hiểu gì
về đối phương, lạc quan thiếu căn cứ, hăng hái đi qua thành phố V., hướng
ra chiến trường. Thế rồi, ngày lại ngày hàng đoàn xe tải chở thương binh,
tử sĩ ùn ùn trở về, hoặc vĩnh viễn bó mình trong bốn tấm ván gỗ thông tồi
tàn, hoặc ngổn ngang rên xiết trong quân y viện dã chiến đặt tại thành phố.
Có người cũng có tên - một anh Léon Castrie nào đấy - “rất hài lòng vì đã
mất một cánh tay.
Sáu ngày nữa anh ta sẽ về nhà và về luôn”. Người kể chuyện đã bình
luận, khó có thể gọn hơn nhưng thật chua chát: “Chiến tranh là một thế giới
lộn ngược, mông chổng lên trời, đầu rạp xuống đất. Chiến tranh cố thể biến
một người tàn phế thành kẻ hạnh phúc nhất trần gian”.
Sức ám ảnh của tác phẩm còn nặng nề hơn khi Philippe Claudel dẫn
chúng ta đến với những người dân bình thường của thành phố: cô bé mười
tuổi Hoa Bìm Bìm ngây thơ hồn nhiên, bà lão Adélaide Siffert tốt bụng,
thai phụ Clémence khắc khoải chờ đón đứa con đầu lòng, cô giáo Lysia
Verharine tình nguyện đến thành phố V. dạy học để được an ủi vì phía bên
kia quả đồi... Cả người kể chuyện - một anh cảnh sát tư pháp không rõ tên
tuổi - chồng của Clémence. Và qua số phận của từng người một, nhưng kết
thúc thật đau thương cứ lần lượt nối tiếp: Hoa Bìm Bìm bị cưỡng hiếp và
bóp cổ đến chết, Clémence bất lực “vượt qua” trong cô đơn, cô giáo Lysia
sau những ngày khắc khoải chờ trông hy vọng đã nhậnđược tin dữ về cái
chết của người yêu...
Những trang viết thật buồn, nhưng cũng thật đẹp. Đẹp, vì Philippe
Claudel dù muốn giấu nhưng cảm xúc nhân văn vẫn cứ bàng bạc trong toàn
bộ 27 chương sách. Tôi ngờ rằng nhà văn cố làm ra lạnh lùng tỉnh táo,
nhưng nhiều khả năng trái tim ông đã run rẩy không chỉ một lần. Đẹp, vì
đúng như ông Jérôme Garcin đã viết trong Le Nouvel Observateur
(04/9/2003), những trang viết này đã được cha đẻ của nó “rất trau chuốt về