đoạn trong sách Ecclésiastique
, tuyên bố sự đoạn tuyệt này, thậm chí
cả lý do, một cách khá rõ ràng với ai biết chuyện, và chẳng có nghĩa gì
với những người khác; ngoài ra, còn lưu ý chỉ nêu lên trong tác phẩm,
người bạn mà mình từ bỏ, với niềm tôn kính mà bao giờ ta cũng phải
có đối với tình bạn ngay cả khi nó đã lụi tắt. Mọi người có thể thấy tất
cả những điều đó trong chính tác phẩm.
Ở đời này chỉ có may và rủi, và dường như trong nghịch cảnh thì
mọi hành vi can đảm đều là trọng tội. Cũng điều người ta đã ngưỡng
mộ ở Montesquieu chỉ đem lại cho tôi sự chê bai và trách móc. Tác
phẩm vừa được in ra và tôi có sách, là tôi gửi một bản cho Saint-
Lambert, ngày hôm trước anh vừa mới viết cho tôi, nhân danh bà
D’Houdetot và anh, một bức thư chan chứa tình bạn đằm thắm nhất
(Tập B, số 37). Đây là thư anh viết khi gửi trả lại tôi cuốn sách (Tập
B, số 38):
Eaubonne, ngày 10 tháng Mười 1758
Thưa anh, quả thực tôi không thể nhận món quà anh vừa mới
tặng tôi. Đến chỗ ở lời nói đầu, nhân trường hợp Diderot, anh dẫn
một đoạn trong Sách Ecclésiaste
(anh nhầm, đó là sách
Ecclésiastique), tác phẩm rơi khỏi tay tôi. Sau những cuộc trò chuyện
vào mùa hè vừa qua, tôi thấy anh có vẻ tin chắc Diderot không phạm
những việc bảo là lộ bí mật mà anh quy cho anh ấy. Anh ấy có thể mắc
lỗi lầm với anh: chuyện đó tôi không biết; nhưng tôi biết rõ là những
lỗi lầm đó không cho anh có quyền công khai sỉ nhục anh ấy. Anh
không lạ gì những sự ngược đãi mà anh ấy đang chịu, thế mà anh lại
đem hòa tiếng nói của một người bạn cũ vào những tiếng la ó của
lòng đố kỵ. Thưa anh, tôi không thể che giấu anh là việc làm tàn bạo
này khiến tôi phẫn nộ đến chừng nào. Tôi không sống với Diderot,
nhưng tôi tôn trọng anh ấy, và tôi cảm nhận mãnh liệt nỗi buồn phiền
do anh gây ra cho một con người mà, ít ra trước mặt tôi, xưa nay anh
chỉ từng chê trách đôi chút nhu nhược. Thưa anh, chúng ta khác biệt