Để làm việc đó những con người có phẩm giá này sử dụng những
phương tiện thật chân chính, thật tế nhị, thật phải chăng, thành thử,
không hề chán ngán trong buổi thuyết giáo, chẳng bao giờ tôi ra khỏi
đó mà trong lòng không xúc động và không có những quyết tâm sống
tốt, khi nghĩ đến những quyết tâm ấy, ít khi tôi không thực hiện, ở nhà
mợ Bernard tôi, sự sùng đạo làm tôi chán ngán hơn đôi chút, vì mợ
khiến nó thành một nghề, ở nhà chủ, tôi chẳng mấy nghĩ đến sùng đạo
nữa, tuy thế không nghĩ khác đi. Tôi chẳng hề gặp những thanh niên
làm tôi hư hỏng. Tôi thành vô lại, nhưng không phóng đãng.
Vậy về tín ngưỡng tôi có tất cả những gì mà một đứa trẻ ở tuổi tôi
có thể có được. Thậm chí tôi có nhiều hơn, vì tại sao lại ngụy trang ý
kiến của mình ở đây? Tuổi thơ của tôi không hề là của một trẻ thơ; bao
giờ tôi cũng cảm nhận, tôi cũng suy nghĩ như là người lớn. Chỉ trong
khi lớn lên tôi mới trở về với lớp người bình thường; tôi đã ra khỏi đó
khi chào đời. Mọi người sẽ cười khi thấy tôi khiêm tốn tự cho mình là
một thần đồng. Được thôi; nhưng cười chán rồi, xin mọi người hãy tìm
ra một đứa trẻ lên sáu mà những cuốn tiểu thuyết thu hút, gây hứng
thú, làm cảm kích đến mức khóc sướt mướt; lúc đó tôi sẽ cảm thấy sự
tự cao tự đại của mình lố bịch, và tôi sẽ thừa nhận là mình sai.
Vì vậy, khi tôi bảo rằng không nên nói với trẻ em về tín ngưỡng
nếu muốn một ngày kia chúng có tín ngưỡng, rằng trẻ em không có
khả năng nhận biết Chúa Trời, dù theo cách của chúng ta, là tôi đã rút
ra cảm nghĩ từ những quan sát của mình, chứ không phải từ kinh
nghiệm của chính mình: tôi biết rằng kinh nghiệm ấy chẳng quyết định
được một điều gì cho người khác. Các vị hãy tìm ra những Jean-
Jacques Rousseau sáu tuổi, và hãy nói về Chúa Trời với chúng khi
chúng lên bảy, tôi đảm bảo là các vị chẳng gặp một nguy cơ nào hết.
Tôi cho rằng người ta cảm thấy, đối với một đứa trẻ, thậm chí với
một người lớn, có tín ngưỡng, tức là theo tín ngưỡng trong đó mình
được sinh ra. Đôi khi người ta bỏ bớt; hiếm khi người ta thêm vào: tín
ngưỡng giáo điều là một kết quả của sự giáo dục. Ngoài cái nguyên