miệng, tôi vẫn cứ kể mặc dù bị cấm, và tôi ba hoa nhiều đến nỗi ngày
hôm sau một trong các vị quản lý đến từ sáng sớm, quở trách tôi khá
gay gắt, buộc tội tôi gây nhiều ầm ĩ vì chút ít sai trái và làm ô danh
một ngôi nhà thiêng liêng.
Ông kéo dài cuộc khiển trách bằng cách giảng giải cho tôi nhiều
điều mà tôi không biết, nhưng ông không nghĩ rằng ông dạy cho tôi, vì
đinh ninh là tôi đã chống cự trong khi hiểu rõ điều người ta muốn ở
mình, nhưng mình không định đồng ý. Ông trang trọng bảo tôi rằng đó
là một việc bị cấm, cũng như sự dâm dật tục tĩu, nhưng ý định thì cũng
không xúc phạm hơn với người là đối tượng của việc ấy, và chẳng có
gì phải tức giận nhiều đến thế vì người ta thấy mình dễ thương, ông
chẳng vòng vo bảo tôi rằng bản thân ông, khi còn trẻ, cũng từng có
vinh dự như vậy, và do bị bắt chợt trong tình trạng không thể kháng
cự, ông chẳng thấy có gì là thật tàn bạo. Ông trơ trẽn đến mức dùng
thẳng những từ ngữ riêng, và tưởng lý do chống cự của tôi là sợ đau,
ông đảm bảo với tôi rằng nỗi sợ ấy hão huyền, và chẳng phải lo hãi gì
hết.
Tôi ngạc nhiên nghe kẻ xấu xa ấy, càng ngạc nhiên hơn vì ông ta
không hề nói vì bản thân; ông ta có vẻ chỉ dạy dỗ tôi vì điều hay cho
tôi mà thôi. Dường như ông ta thấy bài diễn giảng của mình thật bình
thường, nên thậm chí chẳng tìm cách gặp riêng cho kín đáo; và chúng
tôi có người dự thứ ba là một thầy tu mà tất cả chuyện này cũng chẳng
làm cho hãi sợ hơn ông kia. Cái vẻ tự nhiên ấy áp đảo tôi đến mức tôi
đi đến chỗ tin rằng có lẽ đây là một tập quán được chấp nhận trong xã
hội, mà mình chưa có dịp được biết sớm hơn. Điều này khiến tôi lắng
nghe ông không giận dữ, nhưng chẳng phải là không ghê tởm. Hình
ảnh về những gì từng xảy ra với mình, nhất là về những gì mình đã
nhìn thấy, vẫn khắc ghi hết sức đậm nét trong ký ức, thành thử khi
nghĩ đến, tôi vẫn còn buồn nôn. Dù không biết gì hơn, song mối gớm
ghét đối với sự việc lan sang người biện hộ, và tôi chẳng nén mình