Tới lúc chiều tà mới ló ra một mặt trời tái nhợt. Người xà ích cho ngựa chạy
nước kiệu, luôn chuyển từ vết xe nọ sang vết xe kia để chọn lấy những vết
ít lầy lội hơn, và cả anh ta cũng đang ngẫm nghĩ điều gì. Cuối cùng anh ta
nói với một giọng thô kệch nghiêm trang:
- Thưa đại nhân, lúc chúng ta ra đi, bà ta cứ đứng ngó hoài ở cửa sổ. Hẳn là
ngài có quen bà ta từ lâu?
- Quen từ lâu, Klim ạ.
- Bà ta thông minh đáo để. Người ta bảo là bà ấy ngày càng phát tài. Cho
vay lấy lãi đấy ạ.
- Điều đó chẳng có nghĩa lý gì.
- Sao lại chẳng nghĩa lý ạ! Ai mà chẳng muốn sống cho khấm khá cơ chứ!
Nếu làm ăn có lương tâm thì cũng chẳng có gì xấu mặt. Mà người ta bảo
rằng về chuyện làm ăn thì bà ta biết điều lắm. Nhưng đáo để đấy! Nếu
không giao trả đúng hẹn thì cứ là mình làm mình chịu thôi.
- Phải, phải cứ là mình làm mình chịu thôi... Anh ruổi ngựa sao cho ta khỏi
lỡ chuyến tàu đấy nhé...
Mặt trời xuống thấp toả ánh vàng vọt lên những cánh đồng trống trải, mấy
con ngựa đập vó đều đặn trên những vũng nước. Ông dõi nhìn những vành
móng ngựa lấp loáng, nhíu đôi mày đen, nghĩ ngợi:
“Phải rồi, mình làm mình chịu. Phải rồi, đó dĩ nhiên là những giây phút tươi
đẹp nhất. Và cũng không phải tươi đẹp nhất mà còn thật sự là thần tiên nữa
kia! "Tứ phía tầm xuân nở hoa đỏ thắm, song những lối đi vẫn tăm tối dưới
hàng cây đoạn âm u..."
. Nhưng trời ơi, sau đó rồi ra sao nhỉ? Nếu như
mình không ruồng bỏ cô ta thì sẽ ra sao nhỉ? Thật vô lý quá chừng! Chính
cái cô Nadejda đó sẽ không phải là bà chủ của một quán trọ, mà là vợ của
ta, là bà chủ của ngôi nhà của ta tại Peterburg, là mẹ của các con ta ư?”.