Ông Lee và tôi tiếp xúc phỏng vấn nhiều người. Ông ghi chép, thu băng,
chụp hình cẩn thận. Đa số người dân vùng đó vẫn còn e ngại khi tiếp xúc
với người Hàn Quốc. Ông Lee cũng thu thập được nhiều kỷ vật, tư liệu
chiến tranh do chính quyền địa phương cung cấp.
Công việc của ông Lee phát triển tốt, nhưng không hiểu sao ông Lee vẫn
buồn mỗi khi đêm về, lúc chúng tôi ở trọ trong một khách sạn du lịch ở ven
biển Quy Nhơn.
Đêm đó, sau khi ăn tối trong nhà hàng khách sạn, ông Lee mời tôi uống
rượu Bàu Đá – Bình Định , một loại rượu đế ngon nổi tiếng ở miền Trung –
Việt Nam. Đây là loại rượu đế khá nặng đối với tôi nên tôi chỉ uống nhấp
nháp cho ông vui. Ông nói, uống rượu Bàu Đá phải nhắm với nem chua
Chợ Huyện, hai món đặc sản ở vùng này. Khề khà bên ly rượu, ông Lee bắt
đầu tâm sự về mối tình ngày xưa của ông với một người đàn bà tên Lan.
Ông cho tôi biết, Lan đã có con, một đứa con gái, nhưng sau đó, vì hoàn
cảnh chiến tranh, ông phải về nước – cũng may mắn là ông còn sống, về
nước ông vẫn tiếp tục học – nên hai người không còn liên lạc với nhau.
Ông chép miệng thở dài:
- Không biết Lan bây giờ ở đâu? Và đứa con gái ấy sống ra sao?
Ông Lee nhờ tôi, bằng mọi cách, phải tìm giúp người đàn bà tên Lan, từ đó
sẽ tìm ra đứa con gái của hai người.
***
Qua những đường dây chằng chịt trong việc đi sưu tầm danh sách con lai
Hàn Quốc còn ở lại Việt Nam của tôi, cuối cùng tôi cũng lần ra dấu vết của
người đàn bà tên Lan, đang ở tại bến cảng X.
Tôi còn nhớ đó là buổi chiều mùa thu. Trời nhiều mây, u ám, báo hiệu
những cơn mưa sẽ tới. Không khí oi bức, nặng mùi nước mắm, cá khô bay
trên bến cảng. Trên biển, nhấp nhô những con thuyền đánh cá, những bóng
người trần trũi, lực lưỡng với màu da đen bóng. Xóm chài ở ven biển với
những dãy nhà lụp xụp tồi tàn, những người đàn bà rảnh rỗi đang ngồi chơi
bài tứ sắc, những đứa trẻ mình trần, nước da đen nhẻm đang bơi lỏm bỏm
dưới biển, lặn ngụp trong những con sóng trắng xóa. Bãi cát đầy rác thải
đen đúa tấp vào bờ. Một đứa trẻ đang lắc thuyền thúng tiến vào. Tôi dừng