điều đó. đứa bé con lai Mỹ có làn da đỏ hỏn, mang đôi mắt xanh biếc của
người cha và màu tóc đen nhánh của người mẹ. Trông đứa bé có vẻ bụ
bẫm. Cô Na âu yếm nhìn con với ánh mắt trìu mến nhưng có vẻ buồn buồn.
Cô xin lỗi tôi vì đã không lo gì cho tôi được. Mỗi người có số phận khác
nhau, cháu đừng buồn. Khi nào cần cứ nhắn cô, cô sẽ cho cháu một ít tiền.
Vài hôm sau ngày cô Na sinh, tôi bị những cơn đau bụng hành hạ, phải gọi
một chiếc xích lô chở tôi tới nhà thương thí, nơi những đứa con nhà nghèo
được sinh ra trong điều kiện thiếu thốn thuốc men, cơ sở tồi tàn, thiếu
người chăm sóc. Nhưng cần gì, tôi còn quá trẻ, đâu muốn có đứa con này.
Tôi có ý định sẽ bỏ lại đứa con này khi nó ra đời, lẳng lặng trốn khỏi nơi
đây.
Bây giờ thì đứa nhỏ đang hành hạ tôi. Như những người lính Đại Hàn đã
hành hạ thân xác bé nhỏ của tôi trong một trận càn. Tôi nghe bà bác sĩ già
nua nói với một người sản phụ khác, trong những vụ hiếp dâm tập thể,
người đầu tiên thường là cha của đứa bé. Như vậy, con tôi sẽ là một đứa
con hoang lai Hàn, lớn lên không có cha, nó sẽ trở thành một kẻ bụi đời,
thất học, sống lang thang đầu đường xó chợ. Nghĩ đến lúc đứa bé mới sinh
bị ai đó bỏ lại ban sáng khóc thét lên, khát sữa đòi mẹ, gương mặt tím tái
nằm trên sàn gạch mà chẳng ai ngó ngàng tới làm lòng tôi lại quặn đau.
Không được! Tôi phải sinh đứa bé ra và nuôi sống nó. Dù thế nào nó cũng
là con tôi. Tôi sẽ làm mọi việc, kiếm tiền nuôi nó lớn lên, cho nó ăn học và
dạy dỗ nó nên người.
Nước ối đã vỡ, đứa bé được sinh ra đời với tiếng khóc nhỏ nhoi, yếu ớt.
Một đứa con trai! Tôi ngất đi với ý nghĩ con tôi sẽ trưởng thành khi chiến
tranh qua đi. Nhưng thế hệ của con tôi sẽ khác thế hệ của những người cha
trong thời chiến.