Rồi đến bọn quân nhân thuộc địa. Chiến tranh là nghề của chúng, là công
cụ để mưu sống. Chiến tranh cho phép chúng lên cấp, được huân chương và
nhất là được nhiều tiền. Những bức thư bắt được trong mình bọn lính Lê
dương cho chúng ta biết rằng trong bọn chúng đã có tên gửi hàng trăm vạn
quan về cho gia đình. Do đó ta dễ dàng đoán biết bọn võ quan làm giàu như
thế nào. Bọn này cũng tán thành chiến tranh, chiến tranh càng kéo dài càng
lợi cho chúng. Hai hạng này – quan lại và quân nhân – làm thành một khối
hiếu chiến.
Những người thường dân Pháp phải đóng thuế nặng hơn cho quỹ chiến
tranh, và những người bị bắt buộc phải để con đi lính - những người đã nộp
máu và tiền vào chiến tranh - thì muốn hoà bình.
Đối với những nhà kỹ nghệ và những nhà buôn thường, không có cổ
phần trong những nhà máy đúc súng đạn, chiến tranh không lợi gì cho họ.
Thành phố bị tàn phá, đường sá bị hư hỏng, đồn điền bị đốt cháy, hầm mỏ
bị phá huỷ, nói tóm lại họ bị phá sản, cho nên họ cũng muốn hoà bình để
khôi phục lại sự nghiệp.
Chính sách của Hồ Chủ tịch và chính phủ rất đơn giản và rõ ràng.
Hồ Chủ tịch nói với nhân dân:
"Kháng chiến, kháng chiến trường kỳ. Kháng chiến nữa, kháng chiến
đến cùng. Kháng chiến cho đến khi nước Việt Nam giành được thống nhất
và độc lập!".
Và nhân dân Việt Nam, muôn người như một, nghe theo lời Hồ Chủ tịch,
vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ Chủ tịch, họ hoàn toàn kính yêu Hồ Chủ
tịch. Không có gì so sánh được với lòng dân Việt Nam kính mến tin tưởng
lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Nhiều nhà báo và nhiều người bạn ngoại quốc rất lấy làm ngạc nhiên
trước lòng kính yêu của nhân dân Việt Nam đối với vị Cha già Hồ Chí
Minh. Nhưng đối với chúng ta, người Việt Nam, thì rất dễ hiểu.
Hồ Chủ tịch được nhân dân yêu mến là do lòng yêu nước yêu nhân dân
của Hồ Chủ tịch. Hơn bốn mươi năm nay Hồ Chủ tịch chỉ đeo đuổi một