"Ông bạn trẻ của tôi ơi, anh nghe tôi.” Ông Ét-cốt–phi–e vừa nói vừa
cười và có vẻ bằng lòng. “Tạm thời anh hãy gác ý nghĩ cách mạng của anh
lại một bên, và tôi sẽ dạy cho anh cách làm bếp. Làm ngon và anh sẽ được
nhiều tiền. Anh bằng lòng chứ?"
Và ông Ét-cốt–phi–e không để cho anh Ba phải rửa bát nữa mà đưa anh
vào chỗ làm bánh, với một số lương cao hơn.
Thật là một việc lớn xảy ra trong nhà bếp, vì chính là lần đầu tiên mà
ông "vua bếp" làm như thế.
Anh Ba rất giàu tình cảm. Một hôm tôi gặp anh cầm tờ báo và chảy nước
mắt. Tôi hỏi anh vì sao buồn thế. Anh đưa cho tôi tờ báo và giải thích:
"Anh xem đây. Đây là tin tức ông thị trưởng Coóc (Cook), một nhà đại ái
quốc Ailen. Ông ta bị bắt và bị người Anh bỏ tù. Ông ta tuyệt thực. Không
những ông không ăn uống, mà còn không nói năng, không cử động nữa.
Ông nằm nghiêng một phía im lìm như thế hơn bốn mươi ngày. Da thịt và
áo quần phía ấy thối hết. Và ông chết, chết vì tổ quốc. Can đảm biết bao!
Dũng cảm biết bao! Một dân tộc có những người như ông Coóc sẽ không
bao giờ đầu hàng.
Chúng ta cũng thế, chúng ta có những người cản đảm như ông thị trưởng
Coóc. Anh có biết chuyện cụ Tống Duy Tân không? Tôi kể cho anh nghe:
Cụ Tống Duy Tân là một nhà đại trí thức, đấu tranh dũng cảm chống bọn
xâm lược Pháp. Cụ bị bắt và nhốt vào trong một cái cũi để gửi đến Bộ Tổng
tư lệnh Pháp. Ngồi trong cũi, Cụ vẫn làm thơ yêu nước. Khi hết giấy, cụ bẻ
gẫy quản bút, lấy cật tre làm dao, và mổ bụng, cắt ruột tự tử. Trong những
tờ giấy tìm thấy trong cũi, cuối những bài thơ, người ta còn đọc những chữ:
"Thà chết còn hơn đầu hàng".
Tôi tôn kính tất cả những Tống Duy Tân. Tôi sùng kính tất cả thị trưởng
Coóc. Cái chết của họ làm cho tổ quốc họ sống lại, lòng can đảm của họ bất
diệt."
Thế giới đại chiến bùng nổ. Người Pháp ở Luân Đôn nhận lệnh động
viên. Nhiều người khóc, nhất là những người đàn bà Pháp.