ở trường đại học Hà Nội; cô Nam, con gái trẻ đẹp 18 xuân xanh và con út
của ông bà Nam làm cứu thương.
Ông Nam kể:
"Trước tôi làm việc ở tiệm ăn Các–lơ–tông, một tiệm sang có tiếng ở
Luân Đôn. Người làm bếp độ trăm người đủ các hạng. Có cả người Pháp,
người Anh, người Đức, người Nga, người châu Á và tôi người Việt Nam.
Chính ông Ét-cốp-phi-e, ông vua đầu bếp, được huân chương danh dự, điều
khiển nhà bếp. Về ông Ét-cốt-phi-e, có một chuyện đáng kể lại: Tài nấu bếp
của ông ta, thế giới đều biết. Những chủ quán lớn nhất trên thế giới trả tiền
rất nhiều để mời ông ta làm chủ bếp. Khi có những yến tiệc lớn, người ta
mời ông đến làm thức ăn và điều khiển nhà bếp. Lần vua Đức sang thăm
Luân Đôn, vua Anh mời ông Ét-cốt-phi-e phụ trách bữa tiệc. Và tất nhiên
với một số lương rất hậu. Ông già Ét-cốt-phi-e kiêu hãnh trả lời: "Tôi là
người Pháp. Tôi không nấu cho kẻ thù của dân tộc tôi".
"Vâng, bây giờ chúng ta nói chuyện anh Ba. Vào khoảng một năm trước
đại chiến, một hôm, tôi gặp ở phòng lau chùi thìa, nĩa, một người Á đông
trẻ tuổi. Tôi không để ý đến anh ấy vì tôi tưởng anh ấy là người Trung
Quốc. Đến ngày thứ ba, chính anh ấy đến nói chuyện với tôi bằng tiếng
Việt Nam. Cố nhiên tôi rất sung sướng được gặp một người đồng hương.
Từ ngày ấy, chúng tôi trở nên đôi bạn thân.
"Ai đưa anh đến đây, đến nước Anh?" – Tôi hỏi anh Ba.
"Tôi đến đây một mình để học tiếng Anh".
"Hay đấy, nhưng tiếng Anh rất khó học. Đã hai năm tôi ở thành phố này
mà không biết hơn, ngoài hai chữ Yes và No (vâng và không)."
"Phải học chứ. Chúng ta sẽ cùng nhau học."
"Trước khi đến đây, anh làm ở đâu?"
"Hôm thứ nhất, tôi nhận việc cào tuyết trong một trường học. Một công
việc rất mệt nhọc. Mình mẩy tôi đẫm mồ hôi mà tay chân thì rét cóng. Và
cuốc được đống tuyết cũng rất khó khăn vì tuyết trơn. Sau tám giờ làm
công việc này, tôi mệt lử và đói bụng. Tôi đành phải bỏ việc. Ông hiệu