trở về nước, mở một cửa hàng nhỏ, và lấy vợ. Nghĩ đến tình bạn giữa
chúng tôi, tôi đã đặt tên cho đứa con đầu lòng của tôi là Ba, điều đó làm
cho những người chung quanh lấy làm lạ. Việc đó cách đây đã ba mươi
năm. Ngày giờ đi chóng quá."
Ông Bốn ngừng lại. Tôi hỏi tiếp:
"Thế còng ông bạn Ba của ông, sau đấy đi đâu?"
"Ba cũng rời chiếc tàu, nói là đi Anh".
"Tại sao đi Anh?"
"Ba nói để học tiếng Anh".
"Thế ông có được tin tức của anh Ba không?"
"Có, hai ba lần gì đấy, anh Ba kể cho tôi nghe đã gặp ở Luân Đôn một
người đồng hương tên là Nam".
"Ông có biết ông Nam không?"
"Có, hầu hết chúng tôi biết nhau, vì chúng tôi đều ở cả trong tổ chức".
"Tổ chức gì?"
"Trước kia là một hội kín, nhưng từ khi nước ta độc lập thì công khai.
Chính là công đoàn hải ngoại".
"Và từ bấy đến nay, anh Ba ấy không viết thư cho ông sao?"
"Rất tiếc là không. Vài năm sau, nghĩa là sau đại chiến Thứ nhất, thỉnh
thoảng một ông bạn lại đến nhà tôi đem theo một gói to tướng sách báo và
nói với tôi: "Ông Ba nhờ ông giữ hộ những thứ này, trong vài ngày một
người bạn tên là X. Sẽ đến lấy". Cứ thế kéo dài trong mấy năm. Nhưng từ
khi cửa hàng của tôi bị người Pháp khám xét thì không thấy anh Ba gửi
nữa. Được gặp anh Ba, thì nếu mất nửa gia tài, tôi cũng vui lòng".
Ông Thanh, thư ký công đoàn thủy thủ Vinh, giới thiệu tôi với ông Nam.
Sau khi chào hỏi, tôi đi ngay vào câu chuyện về anh Ba.
Ông Nam là một người làm bánh rán có tiếng trong thành phố. Ông ta ở
trong Ban Chấp hành Công đoàn cứu quốc hải ngoại. Ông có năm người
con trai, hai người đi bộ đội và hai người vào tự vệ; người con thứ năm học