"Ông có biết anh Ba hiện nay thế nào không?"
"Không, tôi rất tiếc là không biết".
"Ông có muốn tôi nói cho ông biết không?"
"Còn gì bằng nữa!"
"Ông quay lại xem, anh Ba ấy đây kìa". Tôi vừa nói vừa chỉ chân dung
Hồ Chủ tịch treo trên bàn thờ giữa những bình hoa, bình hương, đèn nến.
Ông Dân quay đầu, mở to đôi mắt, há miệng gãi tai. Và ông bật lên như
một cái lò xo và kêu:
"Hồ Chủ tịch! Hồ Chủ tịch của chúng ta! A-di-đà-phật! Nhưng làm sao
anh biết? Anh nói thật đấy chứ? Ờ, ơ, lạ quá nhỉ. Hồ Chủ tịch là anh Ba ấy
ngày xưa. Hay quá nhỉ! Tôi sẽ kể điều đó cho bà nhà tôi nghe, cho các cháu
nghe. Chúng nó sẽ mừng biết mấy! Cha của chúng nó được quen biết Cụ
Hồ ngày xưa…"
Tôi lại tìm đến ông Bốn. Tính tình ông Bốn hoàn toàn khác với ông Dân,
và cũng không giống như anh Bốn trai trẻ mà ông Dân đã nói. Đấy là một
ông già hơn 60 tuổi, hiền lành. Với một giọng nhè nhẹ, ông kể lại đời mình
cho tôi nghe và những mối quan hệ giữa ông với anh Ba hồi ấy. Ông nói:
"Lúc còn trẻ, tôi đi vòng quanh thế giới làm nghề nấu bếp ở trên tàu. Tôi
kiếm được rất nhiều tiền. Nhưng tôi không gửi một xu nhỏ về cho gia đình.
Tôi chạy theo một cô gái nhảy, có bao nhiêu nó nướng hết.
Tôi đi nhiều, nhưng tôi không thấy gì, không học gì. Tôi hoàn toàn dốt
đặc, không biết đọc, chẳng biết viết. Một lần đi trên một chiếc tàu nhỏ chở
hàng, tôi có người bạn đồng hương trẻ tuổi, tên là Ba. Sau những giờ làm
việc, anh Ba viết và đọc sách. Chính anh đã khuyên tôi học chữ quốc ngữ.
Anh Ba có một lối thuyết phục người rất giỏi. Nhờ những lời khuyên bảo
và sự giúp đỡ của anh Ba, tôi trở nên một người khá.
Chiếc tàu nhỏ rời Ha–vơ–rơ. Đỗ lại ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, An
Giê Ri, Tuy Ni Di và những cửa bể Đông châu Phi cho đến Công Gô. Đến
đâu anh Ba cũng để ý xem xét. Mỗi lần tàu cập bến, thế nào anh Ba cũng