Ông Nguyễn gửi cả những truyền đơn về Đông Dương, nhưng gửi đề tên
Việt thì không đến nơi, đề tên người Pháp thì đến nơi. Bọn thực dân Pháp
in truyền đơn ấy lên báo để chế giễu và yêu cầu đàn áp. Chính nhờ những
tờ báo ấy mà người Việt Nam biết được toàn bản yêu cầu và từ ngày ấy
phong trào cách mạng Việt Nam càng lên cao.
* * *
Một người quen ông Nguyễn ở Pa–ri đã cho chúng tôi nhiều tài liệu rất
quý báu. Ông này nói với chúng tôi như sau:
"Lúc ấy, ông Nguyễn là một Nguyễn yêu nước quyết tâm hy sinh tất cả
vì Tổ quốc; nhưng ông Nguyễn lúc đó rất ít hiểu về chính trị, không biết thể
nào là Công hội, thế nào là bãi công và thế nào là chính đảng.
Trong tất cả những tờ báo Pháp, chỉ có tờ Dân chúng, cơ quan của đảng
Xã hội Pháp là đã in những lời yêu cầu của Việt Nam. Ông Nguyễn đến toà
báo. Chủ nhiệm báo, ông Giăng Lông–ghê (Jean Longuet), cháu ngoại Các
Mác và nghị viên của Quốc hội Pháp, đã tiếp ông. Ông Nguyễn lấy làm lạ,
vì chưa bao giờ ông ta được ai tiếp đón thân mật như thế. Ông Lông–ghê
gọi ông Nguyễn là đồng chí thân ái. Ông nói cho ông Nguyễn rõ tất cả cảm
tình của ông đối với nhân dân Việt Nam. Ông khuyến khích ông Nguyễn
viết bài và ông sẽ đăng lên báo "Dân chúng" để làm cho nhân dân Pháp
hiểu rõ những sự bất công xảy ra ở Việt Nam. Có thể nói rằng cuộc gặp gỡ
ấy đã mở đường cho sự hiểu biết chính trị của ông Nguyễn. Nó cũng đã làm
cho ông Nguyễn hiểu rõ nhân dân Pháp.
Ông Nguyễn không đủ tiếng Pháp để viết và phải khẩn khoản yêu cầu
ông Phan Văn Trường viết thay. Ông Trường viết giỏi, nhưng không muốn
ký tên. Mà chính ông Nguyễn đã phải ký tên những bài báo.
Nhược điểm về tri thức làm cho ông Nguyễn rất khó chịu. Nhất là ông
Trường không viết tất cả những điều ông Nguyễn muốn nói. Vì vậy, ông
Nguyễn bắt tay vào việc học làm báo. Thường lui tới toà báo Dân chúng,
ông làm quen với những người Pháp khác trong đó có chủ bút tờ Đời sống
thợ thuyền.