chính. Thành công đầu tiên này đã khuyến khích ông Nguyễn viết những
truyện ngắn khác. Ngoài việc tả lại đời sống thợ thuyền Pa–ri, ông thường
viết về các thuộc địa và đặc biệt là Việt Nam, không có một chút nào ông
quên tổ quốc mình đang bị giày xéo và đồng bào mình đang bị áp bức. Ông
Nguyễn chỉ viết một quyển sách duy nhất là quyển: Bản án chế độ thực dân
Pháp; quyển này gồm những tài liệu chống thực dân Pháp, trích trong
những sách của người Pháp viết để ở thư viện quốc gia.
Đầy hăng hái, ông Nguyễn viết cả một vở kịch Rồng tre. Đại ý vở kịch
như thế này: Có những cây tre thân hình quằn quẹo. Những người chơi đồ
cổ lầy về đẽo gọt thành con rồng. Nó là một đồ chơi. Là con rồng nhưng
thực ra chỉ là một khúc tre. Là một khúc tre, nhưng lại hãnh diện có tên và
hình dáng con rồng. Tuy vậy nó chỉ là một quái vật vô dụng.
Ông Nguyễn viết vở kịch này vào dịp vua Khải Định sang Pháp để dự
triển lãm thuộc địa. Vở kịch bị chính phủ Pháp cấm, nhưng Câu lạc bộ
ngoại ô Pa–ri đã đem diễn, được các nhà phê bình văn nghệ khen hay.
Trong thời gian ở Pa–ri, ông Nguyễn sống rất cực khổ. Để kiếm tiền, ông
Nguyễn làm nghề rửa ảnh và phóng đại ảnh. Chính cụ Phan Chu Trinh đã
dạy cho ông Nguyễn nghề này. Ông làm cả nghề sơn vẽ đồ cổ.
Ở Pa–ri, có nhiều nhà làm giả đồ cổ Trung Quốc; họ làm đồ gỗ, bình
phong và những vật khác bắt chước theo kiều Trung Quốc. Họ sơn bằng
sơn Nhật và vẽ hoặc viết những chữ ngoằn ngoèo giả chữ Trung Quốc.
Những bà quý tộc già, những người trọc phú rất ham chuộng những vật ấy,
không biết là đồ giả và mua rất đắt. Công việc sơn vẽ giả đồ cổ Trung Quốc
rất dễ cho ông Nguyễn. Không may đấy chỉ là một công việc hàng năm,
mỗi năm chỉ làm vài tháng.
Sự hoạt động chính trị của ông Nguyễn được cảm tình sâu sắc của những
người Việt Nam yêu nước, đó là sự dĩ nhiên. Vì lần đầu tiên trong lịch sử,
có một người Việt Nam tuyên bố trước toàn thế giới chủ trương giành độc
lập cho dân tộc mình; lần đầu tiên trong lịch sử, có một người Việt Nam
dám bóc trần những tội ác của bọn thực dân Pháp ngay ở Pa–ri và cũng
chính vì vậy mà ông Nguyễn bị bọn thực dân thù ghét.