phiệt lần lượt bị đánh bại. Trong một thời gian ngắn, chính quyền Quốc dân
đảng Quảng Châu đã lan rộng khắp nửa Trung Quốc.
Hoạt động của "Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí" bắt đầu
lan vào trong nước. Thực dân Pháp gián tiếp giúp đỡ rất nhiều. Vì sao vậy?
Trong khi tài liệu và báo chí của ông Nguyễn bí mật lọt vào nước rất khó
khăn, thì bọn thực dân làm to chuyện để yêu cầu đàn áp. Đó là một quảng
cáo rất tốt cho công việc của ông, làm cho đồng bào chú ý, làm cho họ càng
thích được nghe tuyên truyền cách mạng.
Hơn nữa, thực dân Pháp đã phạm một sai lầm là bắt nhà lão sĩ yêu nước
Phan Bội Châu, lúc bấy giờ ở Trung Quốc, và muốn kết án tử hình cụ Phan.
Tất cả nhân dân Việt Nam nổi dậy chống lại vụ án này và yêu cầu thả cụ
Phan. Chưa bao giờ có một phong trào quần chúng rộng rãi như vậy. Đầy là
một dịp tốt cho ông Nguyễn tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước.
Muốn ru ngủ và lung lạc người Việt Nam, thực dân Pháp cử Va–ren
(Alexandre Varenne), đảng viên đảng Xã hội Pháp làm toàn quyền Đông
Dương. Lúc đầu, một số người Việt Nam phấn khởi, nhất là một số thanh
niên.
Nhưng Va–ren ngay từ đầu thi hành chính sách hết sức phản động.
Người Việt Nam sớm tỉnh ngộ và vì vậy sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi của
ông Nguyễn: "Muốn tự giải phóng, phải trông vào lực lượng của mình".
Nhà lão ái quốc Phan Chu Trinh ở Pháp trở về Việt Nam. Về được một
năm thì cụ mất. Từ Bắc chí Nam, nhân dân ta tổ chức đám tang rất lớn. Bọn
cầm quyền Pháp can thiệp cấm những cuộc truy điệu và bắt bớ những thanh
niên, sinh viên hăng hái nhất trong cuộc vận động đó. Sự can thiệp này đã
thổi thêm ngọn lửa yêu nước và một lần nữa giúp cho sự tuyên truyền yêu
nước của ông Nguyễn và của hội Thanh niên.
Ông Nguyễn mở những lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu. Những thanh
niên Việt Nam phần lớn là học sinh trốn ra dự những lớp này để học làm
cách mạng, học cách hoạt động bí mật. Học xong họ lại bí mật về nước
truyền bá lý luận giải phóng dân tộc, và tổ chức nhân dân.