Người cách mạng đội nón, cầm dây thừng, khoác áo tơi, yên lặng ra khỏi
nhà qua trước mặt bọn mật thám đang sục sạo.
Sau việc này người ta hỏi em bé:
"Em có biết người cán bộ ấy không?"
"Không, em không biết, nhưng người ấy giống một chú thỉnh thoảng đến
nhà em và dạy em hát."
"Tại sao em lại bảo chú ấy đi tìm trâu?"
"Em cũng không biết tại sao. Nhưng em sợ nếu chú ấy ở trong bếp sẽ bị
mật thám bắt mất."
Một điểm cần nhắc lại là kiều bào ta ở Xiêm luôn luôn đoàn kết với nhân
dân Xiêm và tôn trọng pháp luật của nước Xiêm, cho nên được người Xiêm
yêu mến.
* * *
Lúc bấy giờ "Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí" có chi bộ
khắp nước. Nhiều tổ chức chính trị khác cũng thành lập. Ở Bắc "Việt Nam
quốc dân đảng" dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Thái Học và Nguyễn
Khắc Nhu, ở Trung "Tân Việt" dưới sự lãnh đạo của một nhóm thanh niên
trí thức dựa theo chủ nghĩa Tam dân của bác sĩ Tôn Dật Tiên.
"Tân Việt" là một nhóm chính trị tự do cấp tiến. Họ nhận ra chủ nghĩa
cộng sản thì quá cao và chủ nghĩa "Tam dân" của Quốc dân đảng thì quá
thấp. Họ chỉ muốn đấu tranh giải phóng Việt Nam, theo chủ nghĩa gì sau sẽ
hay.
Nhóm này gồm những phần tử trí thức. Họ rất hăng hái, nhưng thiếu
kinh nghiệm chính trị. Họ hoạt động từ Nghệ An đến Thừa Thiên.
"Việt Nam quốc dân đảng" gồm những tiểu chủ, giáo học, công chức,
đội, quản, phú nông v.v.
Nó không có một chính cương chính trị xã hội rõ ràng. Nó muốn một
nước cộng hoà, nhưng thứ nước cộng hoà nào? Với phương pháp gì người