Nam biết ơn vì đã cứu được một người con ưu tú của nhân dân Việt Nam.
Vai trò của một số nhà báo Anh ở Hương Cảng trong việc này cũng được
nhắc lại. Không bị kiểm duyệt như báo tiếng Trung Quốc, nhiều tờ báo Anh
đã đăng lại tường tận những buổi xét xử. Khi ông Nguyễn được tha bổng,
những báo ấy nhiệt liệt hoan hô ông Lô-dơ-bai và nghiêm khắc công kích
chính phủ Hương Cảng. Những báo ấy viết: Một người bị cáo như ông
Nguyễn may mắn tìm được một luật sư tốt để bênh vực, nhưng còn biết bao
nhiều người vô tội khác bị bắt và bị xử oan. Và các báo cáo ấy kết luận:
phải có xét xử công minh đối với mọi người.
Trái lại, báo chí thực dân Pháp ở Đông Dương có một thái độ ti tiện. Các
báo này nói xấu ông Nguyễn và bịa đặt những lời nói hết sức vô sỉ.
Khi ông Nguyễn đã bí mật rời khỏi Hương Cảng, những tờ báo này phao
tin là ông Nguyễn đã chết trong nhà thương. Nhưng báo Anh đập lại. Họ đã
dạy cho các báo Pháp ở Đông Dương phải có một tí tự trọng trong nghề
làm báo, dù là báo chí thuộc địa.
Những tờ báo Pháp thuộc địa trả lời một cách trơ tráo: "No speak
English" (Không biết nói tiếng Anh). Ông Nguyễn lại mất tích.
Ông Nguyễn mất tích khá lâu, lâu hơn những lần trước. Trong thời gian
bị cầm tù ở Hương Cảng, rất nhiều mật thám và người khác đã biết mặt
ông. Vì vậy ông phải cẩn thận hơn và tuyệt đối giữ bí mật.
Các bạn thân mến, chắc các bạn cũng hồi hộp khi đọc chuyện của một
người khi xuất hiện khi mất tích, lại xuất hiện, lại mất tích luôn luôn và đột
ngột như thế.
Năm 1934, nghĩa là một năm sau khi ông Nguyễn mất tích, phong trào
cách mạng bắt đầu nhóm lại. Đại hội đảng Cộng sản Đông Dương họp lần
thứ nhất, năm 1935.
Năm 1936 Mặt trận nhân dân thắng lợi ở Pháp. Người ta bắt đầu thi hành
một vài quyền tự do ở các thuộc địa. Người ta thả một số tù chính trị. Nhiều
tờ báo tiến bộ ở Việt Nam đã xuất bản công khai. Quốc hội Pháp quyết định
phái những đoàn đại biểu điều tra đến các thuộc địa. Một luồng gió dân