Ở châu Âu, Pháp thua trận. Hai triệu lính Pháp và một trăm năm mươi
tướng Pháp bị quân đội Hít–le cầm tù. Từ Pa–ri đến Tua (Tours), từ Tua
đến Boóc–đô (Bordeaux) chính phủ Pháp chạy trốn. Nội các Ray–nô đổ,
Pê–tanh (Pétain) và La-van (Laval) ký hiệp ước đầu hàng Đức.
Hai tên này tổ chức chính phủ bù nhìn ở một thành phố nhỏ là Vi–si
(Vichy).
Pháp thua Đức, Nhật nhanh tay nắm lấy cơ hội xâm lược Đông Dương.
Thực dân Pháp ở Đông Dương cũng “anh dũng” đầu hàng quân Nhật
như đồng bọn của chúng ở Pháp đầu hàng Hít–le. Sau trận giao chiến nhỏ ở
Lạng Sơn trên biên giới Việt–Hoa, những “người bảo hộ” Việt Nam ngoan
ngoãn mở cửa Việt Nam đón kẻ xâm lược mới.
Lập tức, một lời kêu gọi vang dội khắp nước Việt Nam:
“Nhân dân Việt Nam ta hãy đứng về phía Đồng minh!
Đánh đuổi Nhật, Pháp, tiễu trừ Việt gian!
Đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc!
Người Việt Nam, chúng ta hãy đoàn kết lại!”
Đó là lời kêu gọi của Việt Nam Độc lập Đồng minh hay Việt Minh,
tháng 5 năm 1941.
Chương trình của Việt Minh rất giản đơn rõ rằng. Mọi người Việt Nam
đều hiểu chương trình đó, thừa nhận và ủng hộ chương trình đó, vì vậy Việt
Minh phát triển rất chóng, mặc dầu bị khủng bố gắt gao.
Phong trào này do ông Nguyễn đứng đầu.
Nhân dân Việt Nam không đầu hàng Nhật. Họ nổi dậy làm cuộc khởi
nghĩa Bắc Sơn tháng 9 năm 1940. Thực dân Pháp sau khi quỳ gối ôm chân
phát–xít Nhật, quay lại bắn giết nhân dân Bắc Sơn.
Cuối năm 1940, chiến tranh nổ ra ở giữa Xiêm và Pháp ở Đông Dương.
Bọn thực dân muốn đưa lính Việt Nam ra trận. Việt Nam không muốn đánh
lại người Xiêm, chết vô ích cho đế quốc Pháp, họ quay súng lại cùng nhân
dân Nam bộ nổi dậy khởi nghĩa tháng 11 năm 1940.