công việc mình làm), Cụ Hồ không giấu nổi sự sung sướng. Cụ Hồ nói
trong đời Cụ, Cụ đã viết nhiều, nhưng đến bây giờ mới viết được một bản
Tuyên ngôn như vậy.
Thật vậy, bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của những bản yêu cầu gửi
cho hội nghị Véc–xây mà Cụ Hồ đã viết năm 1919 và chương trình Việt
Minh mà Cụ Hồ đã viết năm 1941. Hơn nữa, bản Tuyên ngôn Độc lập là kết
quả của những bản Tuyên ngôn khác của tiền bối như các cụ Thủ Khoa
Huân, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều
người khác, của bao nhiêu sách báo truyền đơn bí mật viết bằng máu và
nước mắt của những nhà yêu nước từ hơn tám mươi năm nay.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là hoa là quả của bao nhiêu máu đã đổ và bao
nhiêu tính mạng đã hy sinh của những con người anh dũng của Việt Nam
trong nhà tù, trong trại tập trung, trong những hải đảo xa xôi, trên máy
chém, trên chiến trường.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là kết quả của bao nhiêu hy vọng, gắng sức và
tin tưởng của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam.
Bản Tuyên ngôn Độc lập là một trang vẻ vang trong lịch sử Việt Nam.
Nó chấm dứt chính thể và quân thù chuyên chế và chế độ thực dân áp bức.
Nó mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ cộng hoà.
Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945.
Ngày Chính phủ Hồ Chí Minh ra mắt nhân dân.
Hồ Chủ tịch sửa soạn đi dự lễ. Cụ Hồ chợt thấy mình không có quần áo.
Về việc quần áo có hai chuyện đáng kể:
1. Vừa mới ở rừng về đến Hà Nội, một võ quan ngoại quốc đến chào Hồ
Chủ tịch, võ quan này bận quần ka ki và áo bằng vải dù. Võ quan thú
thật là không có áo nào khác. Lập tức Chủ tịch cởi áo khoác ngoài và
biếu người võ quan ấy. Thấy người này cảm động và băn khoăn không
muốn nhận chiếc áo, Chủ tịch cười nói: "Chúng ta quen biết nhau
không nên khách khí. Anh nhận đi. Tôi còn có một cái áo nữa". Và