người võ quan đi ra với bộ quần áo đầy đủ, còn Chủ tịch thì suốt ngày
mặc áo sơ mi.
2. Vài năm trước đại chiến thế giới lần thứ hai, thuyền trưởng một chiếc
tàu ngoại quốc đến chào thị trưởng một hải cảng Mỹ. Thị trưởng bận
quần áo ngủ để tiếp khách. Sau cuộc gặp gỡ này, xảy ra những sự rắc
rối về ngoại giao giữa hai nước.
Những câu chuyện này tuy là bình thường, nhưng tỏ rõ tình cảm khác
nhau giữa các hạng người.
Trong rừng, Hồ Chủ tịch cũng như các chiến sĩ du kích, ai cũng bận quần
đùi và ở trần. Về Hà Nội, Hồ Chủ tịch cũng giữ nguyên bộ quần áo khi ở
trong rừng.
Người ta đến các hàng tìm kiếm. Cuối cùng người ta tìm thấy một bộ
quần áo ka ki và đôi dép cao su cho Hồ Chủ tịch. Ăn mặc như thế, Chủ tịch
ra mắt đồng bào.
Một vị Chủ tịch đã trăm lần thay đổi tên, làm mười hai nghề khác nhau,
bị tù nhiều lần, một lần bị kết án tử hình, một lần có tin là chết – nhân dân
chờ đợi được thấy, không những là vị Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hoà
mới, mà còn là một vị Chủ tịch khác thường.
Đây là một nhà báo kể lại cảm tưởng của mình sau buổi mít tinh:
"Ngày 19 tháng 8 là ngày cướp chính quyền trong toàn quốc.
Ngày mồng 2 tháng 9 là ngày báo tin cho thế giới biết rằng chính quyền
của ta đã ổn định.
Đối với nhân dân Việt Nam, ngày mồng 2 tháng 9 là một ngày vừa long
trọng, vừa vẻ vang, vừa sung sướng.
Hà Nội được ưu đãi hơn hết. Đối với Hà Nội, ngày mồng 2 tháng 9
không những là một ngày vẻ vang của Độc lập mà còn là một ngày đáng
yêu vì ngày hôm đó lần đầu tiên thủ đô Hà Nội "mắt thấy" người con yêu
quý nhất của dân tộc Việt Nam.