Trong quy trình này, điều quan trọng là phải tập trung vào những gì khách
hàng coi trọng chứ không phải vào các đối thủ cạnh tranh hay vào những
lợi thế cạnh tranh cốt lõi của công ty. Thay vào đó hãy khởi đầu từ con số
0. Bạn có thể tạo ra những phương pháp và sản phẩm hoàn toàn mới bằng
cách trả lời những câu hỏi trên. Từ đó, một đường cong giá trị mới sẽ được
thiết lập. Đường cong này xác định một vấn đề mới có giá trị, cho thấy giá
trị của sản phẩm mới khác biệt như thế nào với các sản phẩm hiện có (theo
Kim và Mauborgne, 1997).
Có thể tạo ra hai loại đại dương xanh bằng cách sử dụng quy trình trên: tạo
ra một ngành hoàn toàn mới; hoặc tạo ra những cơ hội mới từ bên trong
ngành đang tồn tại bằng cách mở rộng những ranh giới chiến lược của
ngành. Hầu hết các đại dương xanh được tạo ra theo cách này.
SỬ DỤNG NHƯ THẾ NÀO
Chiến lược Đại dương xanh không phải là một kế hoạch được xây dựng
hoàn hảo để thực hiện dễ dàng. Ngược lại, nó là một phương pháp có thể
được sử dụng nhằm tập trung phát triển chiến lược (bằng cách trả lời bốn
câu hỏi trên). Tuy nhiên, có sáu nguyên tắc cốt lõi của Chiến lược Đại
dương xanh có thể được sử dụng để tránh sáu rủi ro chính thường thấy đối
với chiến lược phát triển sản phẩm mới, đó là: rủi ro tìm kiếm, rủi ro hoạch
định, rủi ro phạm vi, rủi ro về mô hình kinh doanh, rủi ro tổ chức và rủi ro
quản lý (theo Kim và Mauborgne, 2005). Sáu nguyên tắc đại dương xanh
có thể được hiểu như những “chỉ dẫn thực hiện” đối với việc tạo ra những
thị trường trống chưa được khai phá.
• Nguyên tắc thứ nhất – tái thiết lập các ranh giới thị trường: xác định
những đại dương xanh trong đó rủi ro tìm kiếm là nhỏ nhất.
• Nguyên tắc thứ hai – tập trung vào bức tranh toàn cảnh hơn là những con
số: tránh rủi ro hoạch định bằng cách tập trung vào thực tế hiện hữu.