với ta, phải thật. Nếu trá hàng, hai mang, thì đừng trách chúng tôi”. Lão
Khang ra về, vừa đi vừa run. Cuộc gặp này có trước ngày cậu Dưỡng bị
mưu sát hụt, hình như ngày thứ bảy. Chúng tôi cùng nhau xem xét sự việc,
đồng chí Trần B nói: “Có lẽ sắp ra”. Nghi ngờ của tôi về lão Khang, thế là
được chứng minh, nhưng tôi gạt lão ra khỏi diện nguy hiểm. Chỉ còn trơ lại
lão Phúc.
11 năm trước. Trích bản cung khai của Nhọn-cằm, tài liệu này do đồng chí
Thái, nhân viên cục phản gián, cung cấp: tôi tồn tại dưới mật danh Nhọn-
cằm. Phạm vi hoạt động là Hà Nội, chính thức từ năm 1954. Tôi được đào
tạo chính qui, vì vậy giữa một thủ đô tấp nập hàng triệu nam nữ, tôi tính
toán rất chi li kĩ lưỡng, để có thể chợt xuất hiện, rồi lại chợt biến mất. Tôi
cố gắng hạn chế và loại trừ mọi khả năng có thể làm tôi sa lưới công an
miền Bắc. Tất cả các đầu mối hoàn toàn không biết, tên tôi, lẫn chỗ ở. Mỗi
năm tôi chỉ đến gặp họ, một vài lần, vào những lúc bất ngờ nhất, thường là
đêm tối, thường là ngày giông bão, ngày rét mướt, ngày phố vắng người
qua lại. Các cuộc gặp chỉ dài 3 phút, nhưng thường xuyên phải đợi nhau 9
tháng. Công an có phát hiện ra một đầu mối, do vậy cũng phải đợi 9 tháng.
Khi gặp đầu mối, mọi chỉ thị và tiền thưởng, tôi đều giấu sẵn, trong những
đồ vật thích hợp, với từng hoàn cảnh. Ví dụ bao diêm. Ví dụ bao thuốc bỏ
quên. Ví dụ quyển sách. Rất chớp nhoáng. Trong trường hợp công an có đi
theo, về nơi ẩn náu, cũng không thể tìm thấy tôi. Bởi vì tôi biến mất, như
chưa hề tồn tại. Các đầu mối cũng có thể sử dụng hòm thư của ông Khang,
để liên lạc với tôi. Tôi chỉ việc theo dõi tấm bảng đen, trước cửa hiệu sách,
và chờ dòng rao vặt, bằng phấn vàng của ông. Trong trường hợp các đầu
mối bị bắt, cả các cô gái xinh đẹp, cả ông Khang, cả ông Phúc nữa, cũng
không thể lần ra tôi. Cho dù mất tất cả bọn họ, tôi vẫn ung dung trên phố.