chí Trần B nói: “Tình Bốp”. Trong giọng đồng chí có gì như tự phê bình.
Đúng là chúng tôi chậm.
Một ngày tím. Nhật kí tiếp tục: thằng Đoành rên rỉ: “Thế là xong đời Tình
Bốp. Không còn gì nữa cả. Hồi nhỏ, ba thằng đi học cùng nhau, ba thằng
con chấy cắn ba. Sầu thật. Tất nhiên, bọn chúng thịt lẫn nhau. Nhưng tao cứ
tự hỏi, không biết tao và mày, nhất là mày, có trách nhiệm gì, trong cái chết
của nó? Từ sáng, tao nghe dân phố bàn tán. Có người đặt dấu hỏi to tướng,
về mày. Vô lí sự đời. Việc gì cũng có cái sầu của nó, cả việc tử tế, cả việc
vui mừng. Tao chịu đấy. Tao quay về món giải sầu đây. Ngày mai đến đài
phát thanh nhận việc. Tao không đi theo mày nữa. Đi theo mày nhức óc vô
cùng. Theo mày không biết còn bao nhiêu án mạng nữa. Chỉ một buổi tối,
con mày chết, Tình Bốp chết, hai án mạng, trong lúc phố xá còn tấp nập.
Thôi, tao quay về, đi hát giải sầu, iên trí hơn”. Tôi nói: “Tại sao mày lại
nghĩ Tình Bốp chết, là vì mày và tao, nhất là vì tao?” Nó nói: “Mày dạo này
sống sượng. Có bao nhiêu loại trách nhiệm, mày còn lạ gì? Tất nhiên mày
và tao không có trách nhiệm, về mặt pháp lí. Nhưng, về mặt xã hội học, và
đạo đức học, mày phải suy nghĩ thế nào là tội ác, và cái gì xui ra tội ác. Tội
ác là hiện tượng cá nhân hay xã hội? Xã hội phải tổ chức như thế nào, phải
làm gì để hạn chế tội ác. Xã hội có thể trở thành một thiên đường phi tội ác,
hay không? Mày suy nghĩ như thế, tức là mày có trách nhiệm tinh thần.
Trách nhiệm pháp lí thì có hạn, ngược lại trách nhiệm tinh thần, thì vô hạn.
Người ta khổ đau nhiều, người ta hoặc trở thành vĩ nhân, hoặc thành thằng
điên rồ, cũng chính vì món trách nhiệm tinh thần này. Từ sáng, khi tao nghe
tin sầu, tao cứ hỏi vớ vẩn mãi. Không chỉ trách nhiệm tinh thần, mà thực tế
ra, có khi tao với mày có dính dáng, vào tội ác này. Mày khua lung tung,
làm chúng giết lẫn nhau, để bịt đầu mối. Con mày chết biết đâu cũng vì
mày, vì tao, tự dưng lại nổi cơn trinh thám. Tao ân hận và sầu quá. Mày
muốn tiếp tục, thì mày tiếp tục. Tao xin thôi”.