Bây giờ là 7 giờ tối. Vậy là tôi ngồi không cũng đã được 4 tiếng. Cốm đi
làm về, đang đi trong ngõ. Em Cốm, cái thai đã to, nom như một cây lúa
ngậm đòng. Tôi bật điện. Thì ra từ nãy, tôi đã ngồi bó gối, trắng nhợt, trong
buổi chiều nhọ. Suốt buổi chiều, tôi đã kịp thuộc lòng, một nửa trang sách
ám ảnh.
Buổi chiều. Anh sinh viên người Nga, trước khi phạm tội, đã đến, nói như
thế này: “Tôi là một Nã Phá Luân tân thời. Tôi nghèo, tiền trọ nợ đìa, bàn
ăn quanh năm không có gì, căn gác mùa rét không lò sưởi. Tôi không có
điều kiện, để ăn học nốt. May thay ở phố ấy, có mụ cầm đồ giàu có, không
con cái, tuổi mấp mé miệng lỗ, chuyên nghề hút máu những người cơ nhỡ,
mụ đáng tội chết. Tôi phải giết mụ, đoạt tiền của mụ. Như vậy nhất cử nhị
tiện. Nhất tiện, tôi trừ cho xã hội một con rệp già. Nhị tiện, tôi đoạt số tiền
của mụ, tiếp tục ăn học thành tài và trở thành Nã Phá Luân tân thời, cứu
nhân độ thế”. Tôi không tranh luận. Bởi vì tôi không biết, biện hộ cho tội ác
đi ngụy của tôi, như thế nào, bằng những lí do quan trọng, và vinh quang
nào. Nhưng một Nã Phá Luân tân thời đi ngụy, hòng cứu nhân độ thế, chắc
chắn chưa bao giờ được tôi đưa vào chương trình, dù chỉ trong một í nghĩ
tia chớp. Hồi ấy, tôi chưa viết nhật kí.
Tháng mười một 1965. Tôi ngồi một ngày không rõ thứ sáu hay chủ nhật.
Bên kia cửa sổ tôi xanh, có sáu cây bàng rụng lá, và nhiều căm nhông xanh
quân sự đậu, có tháng mười một vắng lặng, và phố thời chiến vắng lặng. Để
chờ những cơn bão chưa tới. Tôi cũng chờ 7 ngày về thăm Hà Nội của
Dưỡng, bởi vì cuốn nhật kí của anh bị mất ít nhất hai mươi trang. Tôi vẫn
cho rằng, động tác ghi nhật kí thể hiện cách ứng xử của cá nhân, với thời
gian. Người ghi nhật kí bộc lộ khá nhiều phản ứng, hoặc tích cực, hoặc tiêu