Tôi biết tôi không thể làm điều đó được. Không ai trong chúng ta có
thể sửa lại những gì chúng ta đã làm, hay có thể sống lại thời gian đã qua.
Nhưng nếu Giáo sư Morris Schwartz đã dạy được gì cho tôi, chính là điều
này: Không có điều gì gọi là “quá trễ” trong đời hết. Ông sửa đổi cho tới
ngày ông nói lời từ biệt.
Không bao lâu sau khi thầy Morrie qua đời, tôi liên lạc được với em tôi
ở Tây Ban Nha. Chúng tôi nói chuyện rất lâu. Tôi nói với hắn rằng, tôi tôn
trọng khoảng cách của hắn, tôi muốn hắn hiện hữu trong cuộc sống về sau
này của tôi nữa, chứ không phải chỉ trong quá khứ thôi, nhưng tôi sẽ giữ tới
mức độ mà hắn cho phép tôi.
“Peter là em trai duy nhất của anh” tôi nói. “Anh không muốn mất
mày đâu. Anh thương mày”.
Từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ nói với Peter những điều như thế cả.
Vài ngày sau đó, tôi nhận được tin Peter qua điện thư. Tin được đánh
một cách lộn xộn, sai dấu lung tung, tất cả bằng chữ hoa, đúng là thằng em
tôi rồi.
“CHÀO ANH. PETE ĐÃ GIA NHẬP NHŨNG NĂM CHÍN MƯƠI
RỒI”. Đó là những dòng chữ mở đầu. Hắn viết thêm vài dòng, kể mấy mẫu
chuyện nho nhỏ, những gì hắn làm trong tuần đó, chêm thêm một hai câu
đùa. Cuối cùng hắn kết thúc bằng:
“ĐANG LÚC NÀY EM BỊ ĐẦY HƠI VÀ BỊ TIÊU CHẢY – ĐỜI
THẬT CHÓ MÁ, NÓI CHUYỆN SAU NHÉ!– RÁT BÀN TỌA-
Tôi cười cho tới khi mắt ngấn lệ.
*
* *
Quyển sách này phần nhiều là do ý kiến thầy Morrie. Ông gọi đó là
“bản luận án cuối cùng của chúng tôi”. Như mọi công việc tốt đẹp, nó đã
đem chúng tôi lại gần nhau hơn, và thầy Morrie rất vui lòng khi được biết
nhiều nhà sản xuất sách có vẻ lưu tâm đến quyển sách này, dù rằng ông mất