NHỮNG NGHỊCH LÝ CỦA THỜI GIAN - Trang 185

Mục đích và phương tiện

Mục đích không thể biện hộ cho phương tiện. Đây là một chân lý cũ xưa
như Trái đất và đúng cho mọi thứ trên đời: từ chuyện đá bóng, đến việc
quản lý giao thông. Tuy nhiên, nếu như không ai có thể tranh cãi về điều
này trong bóng đá, thì hình như nó lại bị nghi ngờ trong quản lý giao thông.

Trong bóng đá, mục đích là làm bàn, nhưng không phải bạn muốn đá kiểu
gì cũng được. Đá bóng thì phải theo luật. Trong việc quản lý giao thông, vì
mục đích bảo đảm trật tự và an toàn giao thông, hình như chúng ta lại đang
“làm bàn” bằng một số cách rất đáng băn khoăn. Đáng băn khoăn nhất là
lập luận về việc cơ quan hành chính có thể làm “những điều mà pháp luật
không cấm”.

Để biện hộ cho việc tịch thu phương tiện giao thông, lập luận được đưa ra
tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 6 tháng 5 năm 2003 là: “Có luật
pháp nào cấm chuyện tịch thu xe? Chẳng có quy định nào cấm hết!” Đúng,
không có một văn bản pháp luật nào cấm điều này cả. Thậm chí Pháp lệnh
xử lý vi phạm hành chính còn cho phép các quan chức hành chính làm điều
này. Tuy nhiên, lập luận về việc chính quyền có thể làm những “điều pháp
luật không cấm” là không phù hợp với nguyên tắc cơ bản nhất của pháp
quyền. Nguyên tắc cơ bản nhất này khẳng định: “Người dân được làm mọi
điều pháp luật không cấm, nhưng các quan chức của công quyền chỉ được
phép làm những điều mà pháp luật cho phép”. Pháp luật nước ta cho phép
các quan chức hành chính làm rất nhiều điều. Tuy nhiên, những điều có thể
làm khi được cho phép chỉ là hữu hạn. Nếu các quan chức hành chính cho
rằng có thể làm cả những điều pháp luật không cấm nữa thì quyền năng của
họ là vô hạn. Khi quyền năng này bị lạm dụng thì không biết người dân sẽ
khốn khó đến mức nào.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.