trách nhiệm pháp lý. (Quốc hội không phải là thiết chế được sinh ra để áp
đặt trách nhiệm pháp lý). Tuy nhiên, đối với các quan chức chính trị, không
xử lý được trách nhiệm chính trị, thì việc xử lý trách nhiệm pháp lý sẽ rất
khó khăn. Xin phân tích việc xét xử cựu Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc
Hải để làm rõ điều này. Do trách nhiệm chính trị đã không được xử lý
trước, nên vị cựu bộ trưởng này đã bị đưa ra xét xử ở Tòa án nhân dân tối
cao (Không thể để tòa án quận hoặc thành phố xét xử một bộ trưởng). Lúc
đó ở Tòa án tối cao chỉ có một loại thủ tục để áp dụng cho trường hợp này
là xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm, nghĩa là bị cáo không có quyền
kháng án. Ông Hải đã không “tâm phục, khẩu phục” với bản án ba năm tù
(và không chỉ một mình ông Hải), nhưng đã không thể kháng cáo. Rủi ro
lớn nhất ở đây là: một tên tội phạm hình sự vẫn có quyền kháng cáo, còn
một vị bộ trưởng lại không có được quyền này. Nếu trách nhiệm chính trị
của vị bộ trưởng này được xử lý trước ở Quốc hội, sau đó như một công
dân bình thường, bị cáo Vũ Ngọc Hải được đưa ra xét xử ở tòa án quận, thì
điều đáng tiếc nói trên đã không xảy ra.
Mới đây, khi bị Quốc hội chất vấn về những bê bối xảy ra ở một bộ, vị bộ
trưởng có liên quan đã trả lời là ông đang hợp tác tối đa với các cơ quan tư
pháp để làm rõ vụ việc và trách nhiệm đến đâu sẽ xin chịu đến đấy. Các vị
đại biểu Quốc hội có vẻ đã hài lòng với câu trả lời này. Tuy nhiên, trách
nhiệm chính trị và trách nhiệm pháp lý là hai vấn đề khác nhau. Các cơ
quan tư pháp không thể giúp Quốc hội làm rõ trách nhiệm chính trị của một
quan chức. Quốc hội chính là cơ quan có thẩm quyền và có trách nhiệm đối
với công việc này.
Trách nhiệm chính trị là một loại trách nhiệm rất quan trọng. Bảo đảm trách
nhiệm chính trị là bảo đảm sự trong sạch và vững mạnh của nhà nước.