Ba là, Nhà nước có được một nguồn thu lớn để phát triển cơ sở hạ tầng
công cộng, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, y tế và trợ giúp cho người
nghèo. So với việc chia đều (mà chúng ta chưa bao giờ làm được), đây là
cách thức bảo đảm công bằng xã hội thực chất hơn. Việc nguồn kinh phí
khổng lồ này có thể phục vụ các mục đích phát triển hiệu quả đến đâu còn
phụ thuộc vào năng lực quản trị quốc gia của chúng ta. Nhưng đây lại là
một câu chuyện khác.
Bốn là, bảo đảm sự minh bạch trong việc chuyển giao các tài sản quốc gia.
Trong khi ai ai cũng cần có đất, việc tại sao giao đất cho đối tượng này, mà
lại không giao cho đối tượng kia là điều rất khó giải trình. Chuyển giao
quyền sử dụng đất cho người trả giá cao nhất là cách làm không chỉ sòng
phẳng nhất, mà còn không để lại những khoảng tối cho nghi ngờ và suy
diễn.
Năm là, khắc phục tính chất hai mặt của đời sống xã hội: nói là đền bù
nhưng thực chất là mua; nói là cấp đất nhưng không chi sẽ khó lòng có
đất… Một cuộc sống thực là hết sức cần thiết để dân tộc ta vượt qua những
rủi ro không đáng có và hội nhập với thế giới.
Tuy nhiên, đã tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất thì phải tiến hành
công việc này theo đúng luật chơi. Cách làm nửa vời sẽ tiếp tục để lại
những khoảng trống cho tiêu cực và tham nhũng. Ví dụ, nếu giá trị thực của
quyền sử dụng đất ở tại xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội tại phiên đấu
giá quyền sử dụng đất ngày 19/7/2003 là 21,3 triệu đồng/m2 thì không nên
bán với giá 16,6 triệu đồng/m2. Ma lực của sự chênh lệch này chưa biết sẽ
dẫn tới những tiêu cực gì.
Cuối cùng, luật chơi quan trọng số một của đấu giá là công khai, minh bạch.
Thông tin phải được cung cấp đầy đủ nhất và kịp thời nhất cho bất cứ ai
muốn tham gia.