Ngoài ra, đã nói đến thị trường thì cái chi phối là quy luật cung cầu.
Cây gì, con gì cũng đều có thể gây ra tình trạng dư cung và rớt giá.
Nghĩa là sản xuất ra được nhiều bao nhiêu thì sẽ phải chịu lỗ nhiều
bấy nhiêu.
Việc cố gắng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo những sự “lóe
sáng của tư duy” trong quá trình tìm câu trả lời cho “cây gì, con gì?”
không khéo chỉ có thể làm cho nhiều người nông dân bị khuynh gia,
bại sản. Thực tế cho thấy, cây gì, con gì cũng vậy hễ cứ làm theo
phong trào thì khả năng thất bại, đổ vỡ đều rất lớn. Con tôm, con
cua, cây tiêu, cây điều... đều như vậy cả. Vấn đề không phải là
chúng ta đã chọn sai cây, sai con. Vấn đề là chúng ta đã chọn sai
cách kinh doanh. Cách kinh doanh chỉ biết coi trọng sản xuất là thứ
đồ cổ chúng ta được thừa kế từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao
cấp và kế hoạch hóa. Rất tiếc, không phải bất cứ một thứ đồ cổ nào
cũng càng để lâu càng lên giá. Tệ hại hơn, trong không ít trường
hợp việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi lại diễn ra theo chỉ đạo của
chính quyền địa phương. Mà như vậy, thì số lượng các hộ gia đình
tham gia và chịu thua thiệt là rất lớn. Sự chỉ đạo nói trên trong không
ít trường hợp rất giống với việc xui những người nông dân chọn số
đề. Và lần nào thì đề cũng về số khác.
Về bản chất, “cây gì, con gì?” là thứ các quan chức nhà nước khó
lòng cung cấp được câu trả lời chính xác cho những người nông
dân và các doanh nghiệp. Cái mà nhà nước có thể làm là xây dựng
chương trình đào tạo về kinh doanh cho những người dân; phát
triển hệ thống thông tin, hệ thống phân tích, dự báo về thị trường.
Các quyết định về “cây gì, con gì” sẽ phải là quyết định kinh doanh
của người dân và phải được đưa ra dựa vào các thông tin và các tín
hiệu có đủ độ tin cậy của thị trường. Không thể có câu trả lời cây gì,
con gì chung chung và đúng cho muôn thuở.