khăn, vất vả như vậy. Có nên làm cho công việc mưu sinh của họ
thêm khó khăn, vất vả hơn không?
Xét về chi phí, có lẽ đang xảy ra chuyện “lý do to hơn mục đích”- các
chi phí phải bỏ ra để thi hành chính sách đăng ký xe ôm sẽ lớn hơn
rất nhiều so với lợi ích mà chính sách này mang lại. Trước hết, đó là
chi phí của hàng chục vạn người dân hành nghề xe ôm về tiền bạc,
thời giờ và công sức. Sau đó là những chi phí cũng lớn không kém
của chính quyền để tiếp nhận, xử lý và cấp giấy đăng ký. Có vẻ như,
các ủy ban nhân dân phường, xã chưa có đủ người để làm thêm
công việc này.
Xét về tính khả thi, không chỉ chi phí cao làm cho tính khả thi của
chính sách đăng ký xe ôm trở nên rất thấp, mà khả năng áp đặt chế
tài cũng lại góp thêm vào. Lực lượng nào và bằng cách nào có thể
phát hiện ra việc một anh sinh viên, một cán bộ về hưu đang kinh
doanh nghề xe ôm không đăng ký? Bắt được anh ta thì xử lý anh ta
như thế nào? Tịch thu giấy đăng ký nghề xe ôm của một người vì
lấy giá quá mức quy định để làm gì, nếu anh ta vẫn có thể tiếp tục
hành nghề mà không cần giấy đó?
Nhân đây, có lẽ áp đặt giá cả cho dịch vụ xe ôm là không cần thiết.
Xe ôm không phải là một dịch vụ độc quyền. Ngược lại, cạnh tranh
ở đây quyết liệt hơn trong ngành điện lực và nhiều ngành khác rất
nhiều. Không lái xe ôm nào có thể quát giá trên trời được vì chắc
chắn sẽ mất khách hàng. Còn việc nếu trời nắng như đổ lửa nên
khách hàng chấp nhận trả giá cao gấp đôi cho người lái xe, thì chính
quyền có nên can thiệp vào không và để làm gì?
Với những phân tích trên, thiết nghĩ nên hay không nên áp đặt việc
đăng ký kinh doanh xe ôm là điều đã rõ.